Tối 16/9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Lin - Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Huawei; ông Vương Đồng Trụ, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc; ông Ngô Vân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn cầu của các tập đoàn; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói riêng triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
Lãnh đạo các tập đoàn cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tập đoàn công nghệ Huawei được thành lập vào năm 1987 tại Thâm Quyến, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng ICT, năng lượng số, điện toán đám mây và thiết bị đầu cuối, bao gồm 207 nghìn nhân viên, hơn 50% là kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới. Tổng doanh thu nửa đầu năm 2023 của Công ty Huawei đạt được 42,96 tỷ USD.
Theo một số đánh giá, Huawei đứng thứ 4 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Tại Việt Nam, Huawei hợp tác với các nhà mạng viễn thông xây dựng mạng 2G, 3G, 4G. Tập đoàn đã có hợp tác với hàng trăm đối tác Việt Nam; tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực ICT, đào tạo hơn 18.000 nhân lực kỹ thuật số của Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, ông Simon Lin - Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Huawei bày tỏ quan tâm việc xây dựng cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam, đẩy nhanh số hóa ngành, giảm phát thải carbon, chuyển đổi số thông minh; mong muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng vì một Việt Nam xanh và xây dựng hệ sinh thái tài năng số tại Việt Nam.
Ông đánh giá cao nỗ lực và chiến lược chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các đề xuất của Huawei, khẳng định ủng hộ hoạt động đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam; cho rằng lĩnh vực chuyển đổi số còn không gian, dư địa rất lớn để Tập đoàn hoạt động, đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Trong bối cảnh các công nghệ mới liên tục xuất hiện và cạnh tranh ngày càng gay gắt, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn hoạt động ổn định tại Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng để có các giải pháp đóng góp tích cực vào xây dựng xã hội số, Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động đầu tư và nghiên cứu phát triển (R&D), góp ý về thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Huawei chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm kiếm các dự án mới và triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Lãnh đạo Tập đoàn Huawei cho biết sẽ nỗ lực để triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, với tinh thần “tại Việt Nam, vì Việt Nam và trở thành công ty tốt nhất Việt Nam”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Vương Đồng Trụ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc. |
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc đang hiện diện và có dự án triển khai tại 157 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 150 nghìn nhân viên. Năm 2022, Tập đoàn có doanh thu 130,6 tỷ USD (xếp thứ 60 trong bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới của Fortune), lợi nhuận 4,9 tỷ USD.
Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, Tập đoàn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay đã thực hiện thành công hơn 20 dự án trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu, đường, cảng biển) và năng lượng (điện gió gần bờ) như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, xây dựng cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân-Bình Thuận, Duyên Hải-Trà Vinh, Vũng Áng-Hà Tĩnh… và các dự án Nhà máy điện gió Sóc Trăng I (30MW), Bạc Liêu III (141MW, đang thực hiện), Viên An Cà Mau (50MW), Đông Thành Trà Vinh giai đoạn I (80MW, đang thực hiện)...
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Tập đoàn đều quan tâm việc phát triển đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam (tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Áng - Lào, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), mong muốn đầu tư, thi công các dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương mở rộng, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)..., cũng như quan tâm việc phát triển điện gió và các chính sách ưu đãi nhà đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, trong đó có xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển…
Ngoài việc đảm nhận vai trò tổng thầu xây dựng, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực này theo các hình thức đối tác công tư phù hợp; hợp tác đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ, góp ý chính sách và bảo vệ môi trường… đồng thời quan tâm tới an sinh xã hội.
Đối với mong muốn của Tập đoàn tham gia các dự án trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng nêu trên, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ và địa phương liên quan để phát triển, tham gia các dự án mới tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ngô Vân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc. |
Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc là một tập đoàn đa ngành trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo đánh giá của Fortune; đang triển khai 16 dự án với 12 doanh nghiệp liên danh tại Việt Nam và tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo Energy China báo cáo kế hoạch tìm kiếm dự án, mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, kế hoạch phát triển các dự án điện gió tại Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Trị và các tỉnh khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các đề xuất và kế hoạch mở rộng đầu tư của Tập đoàn thời gian tới; đề nghị Tập đoàn quan tâm tới các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng tại Việt Nam trên cơ sở hoạt động đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, chú trọng văn hóa, đạo đức kinh doanh, quan tâm an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với đại diện của Tập đoàn; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn trong quá trình tìm kiếm các dự án mới và triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Theo nhandan.vn