Chỉ còn ít ngày nữa đến Tết Trung thu năm 2023, vì lợi nhuận, một số đối tượng vẫn lén lút kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, đồ chơi nguy hiểm. Trước thực trạng đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã triển khai kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh mặt hàng này.
Đội QLTT số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi trên đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, từ đầu tháng 9/2023, đội đã ra quân tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán những mặt hàng phục vụ Tết Trung thu như bánh kẹo, đồ chơi. Riêng đối với mặt hàng đồ chơi, qua kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố thì cả 14 cơ sở đều vi phạm về việc kinh doanh mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh đồ chơi có tính bạo lực, đồ chơi có tính chất gây nguy hiểm… Đội đã tịch thu hơn 200 sản phẩm đồ chơi gồm súng bắn đạn nhựa, kiếm và xử phạt vi phạm hành chính 98 triệu đồng.
Ngoài Đội QLTT số 1, thực hiện Kế hoạch số 917 ngày 5/9/2023 của Cục QLTT tỉnh về kiểm tra thị trường hàng hoá phục vụ Tết Trung thu năm 2023, các đội QLTT phụ trách địa bàn đồng loạt ra quân kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, trong đó ngoài mặt hàng bánh kẹo thì trọng tâm là mặt hàng đồ chơi trẻ em. Đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 102 cơ sở; qua đó, phát hiện, xử lý 62 cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi vi phạm quy định về kinh doanh mặt hàng đồ chơi bạo lực, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan QLTT đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi bạo lực, đồ chơi nguy hiểm.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Không chỉ gia tăng kiểm tra, kiểm soát tại địa bàn thành phố, trung tâm các huyện, mà thời điểm này, lực lượng QLTT gia tăng hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn vùng nông thôn, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa. Lực lượng QLTT sẽ xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi vi phạm để tạo sức răn đe. Bên cạnh tịch thu sản phẩm đồ chơi bạo lực, đồ chơi không rõ nguồn gốc, những cơ sở vi phạm lần đầu, cơ quan QLTT xử phạt từ 7 – 10 triệu đồng, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh đồ chơi tái phạm, cố tình tiếp tục kinh doanh mặt hàng đồ chơi bạo lực, đồ chơi nguy hiểm, cơ quan QLTT sẽ xử phạt vi phạm 20 triệu đồng. Nếu cơ sở tái phạm nhiều lần, cơ quan QLTT sẽ có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh.
Song song với hoạt động kiểm tra, lực lượng QLTT phối hợp với ban quản lý các chợ, công an các phường, xã… tổ chức tuyên truyền, giáo dục các kiến thức pháp luật và các văn bản quy định về hoạt động kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập lậu, đồ chơi bạo lực, đồ chơi có nguy cơ độc hại.
Thực tế cho thấy, lực lượng QLTT đã và đang nỗ lực ngăn chặn đồ chơi bạo lực, đồ chơi nguy hiểm lưu thông ra thị trường. Tuy nhiên, để việc ngăn chặn đạt hiệu quả cao nhất, ngoài lực lượng QLTT, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chức năng liên quan trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân “nói không” với đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực.
Theo baolangson.vn