EVN liên tục báo lỗ, lãnh đạo tập đoàn hé lộ nguyên nhân đằng sau

Thứ 4, 27.09.2023 | 09:44:27
487 lượt xem

Ông Nguyễn Xuân Nam cho rằng EVN được giao nhiều nhiệm vụ hơn chỉ là mục tiêu kinh tế. Tập đoàn cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến địa chính trị trên thế giới.

Tại tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đã lý giải nguyên nhân mà tập đoàn này liên tục báo lỗ trong thời gian qua.

Theo ông Nam, EVN được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, mục tiêu hơn là chỉ mục tiêu kinh tế. Nhiệm vụ căn bản nhất là cung ứng đủ điện cho đất nước, cho phát triển kinh tế.

EVN cũng đang nỗ lực để cung cấp điện cho cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Khi đầu tư để thực hiện hoạt động này, giá điện bán ra có thể lên đến 7.000 đồng/kWh, tuy nhiên, hiện nay EVN chỉ bán với mức giá từ 1.900 đồng/kWh.

"Đây là một ví dụ cho câu chuyện hiện nay mà EVN đang phải đối mặt. Vì phục vụ cuộc sống người dân là ưu tiên hàng đầu, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó nên EVN chấp nhận việc giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá mua vào", ông Nam nói.

EVN liên tục báo lỗ, lãnh đạo tập đoàn hé lộ nguyên nhân đằng sau - 1

Ông Nguyễn Xuân Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Báo Đầu Tư).

Lãnh đạo EVN thông tin thêm 2022 là một năm rất khó khăn đối với tập đoàn do những sự bất ổn địa chính trị ở trên thế giới. Khi chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra, các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu... tăng đột biến.

Có thời điểm, giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn. Giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN. Sang đến năm 2023, giá các mặt hàng cũng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

"Mặc dù giá điện đã được tăng 3% nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào", ông Nam nói.

Trước đó, tại hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7, EVN đã có những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho tập đoàn này.

Cụ thể, EVN kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, EVN đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Ngoài ra là đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cho phép tập đoàn được tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ chi phí.

Từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/evn-lien-tuc-bao-lo-lanh-dao-tap-doan-he-lo-nguyen-nhan-dang-sau-20230926165701981.htm

  • Từ khóa