Hướng tới mục tiêu hiệu quả hơn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ 4, 27.09.2023 | 15:04:09
498 lượt xem

Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng nhất để thực hiện cho được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, trở thành lực lượng dẫn dắt, tiên phong, mở đường.

Quang cảnh tọa đàm.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới", do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phối hợp Báo Đầu tư tổ chức ngày 26/9.

Đảm đương việc lớn, việc khó

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: Mặc dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Doanh nghiệp nhà nước còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.

Thông tin về tình hình hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Tổng hợp của Ủy ban cho biết: Tính đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,154 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất đạt 2,491 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước.

Sau 5 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã có những thay đổi đáng kể: So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ hơn 1,05 triệu tỷ đồng lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ hơn 2,35 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.

Đáng lưu ý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B.

Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt hơn 769 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tiến độ xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ ngành công thương đạt những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số hạn chế. Các doanh nghiệp vẫn chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét; hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ với tổng tài sản lên đến hơn 3,7 triệu tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chưa được như kỳ vọng. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao... Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế.

“Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Hoàn thiện mô hình cơ quan đại diện vốn nhà nước

Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ Ủy ban, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn nhận định kết quả đạt được của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa được như kỳ vọng và thời gian tới, cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban, phù hợp hơn trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng chia sẻ: Việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được đề ra từ rất sớm nhưng đến năm 2018 mới hình thành Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sau 17 năm có chủ trương. Khoảng thời gian kéo dài như vậy cho thấy đây là một vấn đề lớn và rất khó.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Ủy ban đã khẳng định mô hình và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý vốn nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đây là dấu mốc đặc biệt, để lại dấu ấn rõ ràng trong tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Về phía 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban cũng đều có sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và quy mô vốn, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để đáp ứng kỳ vọng vào sự phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần xây dựng được cơ chế tương ứng, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện và đổi mới mô hình hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn.

Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; không được can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp…

Gợi mở về mô hình hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có thể nghiên cứu mô hình Ủy ban tương tự như một công ty quản lý quỹ.

Trong đó có nhiều quỹ đầu tư hoạt động theo thị trường, theo nhiệm vụ chính trị, quỹ đầu tư vào các lĩnh vực mới... và có sự phân cấp, quản lý phù hợp với mỗi loại hình quỹ nhằm bảo đảm tính linh hoạt để có thể đầu tư hiệu quả.

Nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của cả nước, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị cần lựa chọn các doanh nghiệp có đủ tiềm lực.

Từ đó có cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp tăng cường tính tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và phát huy tối đa hiệu quả, nguồn lực nắm giữ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/huong-toi-muc-tieu-hieu-qua-hon-trong-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-post774496.html

  • Từ khóa