8 rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh nhượng quyền

Thứ 2, 02.10.2023 | 08:38:56
814 lượt xem

Chuyên gia F&B chỉ ra những rủi ro khi tham gia kinh doanh với các thương hiệu nhượng quyền, trong đó có rủi ro phụ thuộc, rủi ro lợi nhuận...

Sau sự việc nhiều nhà đầu tư căng băng rôn đòi quyền lợi trước địa điểm được cho là trụ sở của thương hiệu nhượng quyền Mixue, câu chuyện liên quan đến kinh doanh thương hiệu nhượng quyền (franchise) trở thành chủ đề "nóng" trên các hội nhóm bàn về vấn đề kinh tế.

Ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng số đông mọi người nhìn vào ngành F&B thường chỉ thấy cơ hội, ít khi nhìn vào rủi ro. Mọi người cho rằng mở quán bán đồ ăn, đồ uống rất có lãi mà quên đi những tháng ngày "ế chỏng chơ".

Do đó, trước khi quyết định đầu tư vào các thương hiệu nhượng quyền, nhà đầu tư đừng vội nghĩ đến lợi nhuận mỗi tháng. Trước tiên, hãy đo lường, tính toán tới các trường hợp xấu nhất có thể. Khi đã nhìn rõ vào những thất bại có thể xảy ra, nếu vẫn muốn làm, lúc đó hãy đưa ra quyết định.

Ông Tùng chỉ ra 8 rủi ro có thể xảy ra mà các nhà đầu tư nên biết trước khi quyết định kinh doanh nhượng quyền:

1. Rủi ro hiệu ứng fomo (hội chứng tâm lý khiến mọi người sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống): Khi mua nhượng quyền, bạn dễ dàng được nhìn một bức tranh tài chính tươi sáng, những lời cam kết như "rót mật vào tai" khiến bạn cảm giác đây là cơ hội ngàn năm có một. Bạn cho rằng nếu bạn không nhanh tay nắm lấy, người khác sẽ cướp mất cơ hội. 

Đừng fomo. Đừng quá tin vào lời của nhân viên tư vấn bởi họ đang muốn bán được hàng. Hãy hỏi trực tiếp những người đã kinh doanh nhượng quyền của thương hiệu đó, bạn sẽ có được những thông tin chính xác về thực trạng. 

2. Rủi ro phụ thuộc: Người mua nhượng sẽ phải phụ thuộc nhiều thứ vào thương hiệu mẹ. Đây là chi tiết vừa có lợi, vừa có hại. Lợi là khi phụ thuộc, bạn sẽ đỡ tốn công suy nghĩ. Hại là sự phụ thuộc này khiến bạn giảm bớt sự chủ động.

 8 rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh nhượng quyền - 1

Chuyên gia F&B Hoàng Tùng (Ảnh: Hoàng Tùng).

3. Rủi ro hiệu ứng chuỗi: Khi bạn mua nhượng quyền, nếu bạn làm việc chuẩn chỉnh nhưng thương hiệu mẹ gặp "phốt" hoặc một cửa hàng khác trong chuỗi có vấn đề, cả chuỗi sẽ bị hiệu ứng xấu theo.

Ngày nay, khi phong trào review (xem lại và đánh giá) ngày càng phát triển, rủi ro này luôn thường trực. 

4. Rủi ro sức khỏe công ty mẹ: Trong một vài trường hợp, đơn vị bán nhượng quyền tỏ ra họ là thương hiệu lớn, kinh doanh ổn định nhưng thực sự không phải vậy. Khi sức khỏe tài chính công ty mẹ đi xuống, họ sẽ chỉ tập trung lo cho công ty chủ quản mà bỏ quên các cửa hàng nhượng quyền. 

5. Rủi ro sáng tạo: Khi mua nhượng quyền, bạn không được phép sáng tạo ra những thứ mới lạ, thú vị mà bạn cho là phù hợp với địa điểm kinh doanh của mình. Việc này hạn chế khả năng sáng tạo. Nếu bạn yêu thích những điều mới mẻ, muốn thử sức làm những thứ ít người làm, kinh doanh thương hiệu nhượng quyền không hợp với bạn. 

6. Rủi ro biên lợi nhuận: Hãy nghiên cứu kỹ về biên lợi nhuận của đơn vị bán nhượng quyền. Nếu họ có lượng khách hàng lớn nhưng mức lợi nhuận quá thấp, rất có thể, khi bạn mua thương hiệu nhượng quyền, bạn chỉ kinh doanh hòa vốn. Bởi ngoài tiền nguyên vật liệu, bạn còn cần chi ra nhiều khoản khác như tiền duy trì nhượng quyền, tiền sang sửa cửa hàng, máy móc... 

7. Rủi ro pháp lý: Có không ít trường hợp chưa đủ điều kiện để bán thương hiệu nhưng đã tự ý nhượng quyền. Nếu bạn mua phải những thương hiệu có vấn đề pháp lý, người chịu thiệt thòi nhiều nhất là bạn.

8. Rủi ro cạnh tranh: Khi thấy nhiều người kinh doanh thương hiệu nhượng quyền, bạn cũng muốn thử sức. Nhưng không phải chỉ mình bạn muốn, ngoài kia có rất nhiều người có tư duy giống bạn. Khi tất cả cùng đổ xô vào làm một việc, tỷ lệ cạnh tranh ngày càng cao. Nhượng quyền tràn lan khiến mật độ quán trở nên quá dày. 

Cuối cùng, chuyên gia khẳng định bản chất việc kinh doanh nhượng quyền mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, lợi ích như thế nào là phụ thuộc vào người kinh doanh đã thực hiện kinh doanh ra sao. Do vậy, hãy cân nhắc những rủi ro trước khi bắt đầu để không nản lòng và có những chuẩn bị kỹ càng hơn cho con đường kinh doanh của bản thân. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/8-rui-ro-tiem-an-khi-kinh-doanh-nhuong-quyen-20231001115356663.htm


  • Từ khóa