Thị trường lúa gạo sôi động trở lại

Thứ 5, 05.10.2023 | 16:05:09
665 lượt xem

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường giao dịch lúa gạo trong nước và trên thế giới đã sôi động trở lại sau vài tuần chững giá và giao dịch chậm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang giữ mức cao so với nhiều nước trên thế giới.

Nông dân đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng cao để tăng giá bán.


Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 4/10 đạt mức 613 USD/tấn; trong khi giá gạo Thái Lan xuống dưới mức 600 USD/tấn, đạt 586 USD/tấn; gạo Pakistan đạt 558 USD/tấn.

Giá lúa gạo đồng loạt tăng

Trong vài ngày qua, giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có mức tăng.

Ngày 3/10, tại An Giang, giá lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.800-7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.700-8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Ngày 4/10, giá các mặt hàng lúa giữ ổn định, giá gạo tiếp đà tăng. Theo đó hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.100-12.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 14.100-14.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Do giá gạo có xu hướng tăng nên thị trường giao dịch nhiều, xu hướng các nhà máy chào bán gạo cũng tăng trở lại. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa thu đông.

Các giống lúa: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900,…thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, các địa phương nên có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông 2023.

Xuất khẩu nhiều cơ hội tăng trưởng

Ngoài các thị trường truyền thống, đại diện Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Công ty sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch mục tiêu xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu, bởi đây là thị trường tiềm năng và có mức giá xuất khẩu khá cao.

Với năng lực sản xuất hơn 4.5 triệu tấn lúa, cung ứng 1.5 triệu tấn gạo mỗi năm, Lộc Trời đã xuất khẩu gạo tới hơn 40 quốc gia và thương hiệu gạo “Cơm ViệtNam Rice” của tập đoàn cũng đã lên kệ của các hệ thống đại siêu thị tại Pháp, Đức, Áo. Tháng 9 vừa qua, tại triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2023), hơn 70 khách hàng quốc tế đã trực tiếp liên lạc Lộc Trời để bàn thảo việc cung ứng gạo. Đây là tín hiệu đáng mừng và ghi nhận cho chiến lược kinh doanh sản phẩm lúa gạo bền vững của tập đoàn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ đạt hơn 4 tỷ USD.

Về nguồn cung gạo xuất khẩu, hiện các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nhất là các giống lúa chất lượng cao. Nhiều địa phương cũng khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng như Lộc Trời 28, OM 34, OM 418.., để gia tăng năng suất, chất lượng. Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica, nông dân tổ chức liên kết sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, khi sản xuất phải phù hợp với các tiêu chuẩn như 1 phải 5 giảm, VietGAP, GlobalGAP.. và gắn với định hướng tiêu thụ của từng địa phương.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo. Trong vụ thu đông 2023, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương xấp xỉ 85%, trong đó giống cấp xác nhận do các công ty, trung tâm giống cung cấp xấp xỉ 75%, hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi khoảng 25%. Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng khoảng 1%. Tỷ lệ sử dụng giống lúa thương phẩm làm giống khoảng 14%.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thi-truong-lua-gao-soi-dong-tro-lai-post776002.html#776002|zone-highlight-1185|0

  • Từ khóa