Xây dựng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ 7, 07.10.2023 | 10:11:26
645 lượt xem

Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm sự tiếp cận có kiểm soát đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nếu có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển và nâng cao năng lực công nghệ trong nước.

Dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tử theo công nghệ SMT tại nhà máy của Công ty TNHH 4P ở Hưng Yên. (Ảnh VIẾT CHUNG)


Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tác động bao trùm, giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống, do đó giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất và năng lực đổi mới sáng tạo. Nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó, nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Đóng gói vi mạch cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ sinh thái các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy đóng gói Intel cũng từng bước được hình thành và củng cố. Việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói.

Các chuyên gia trong ngành nhận định Việt Nam là một lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn cho các dự án sản xuất chip trong tương lai. Dự án nhà máy bán dẫn Amkor Technology đang triển khai xây dựng tại Bắc Ninh sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây, các nhà cung cấp của nhà sản xuất chip Hà Lan ASML đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Tập đoàn VinaCapital vừa tổ chức hội nghị nhà đầu tư năm 2023 với sự tham dự của hơn 150 nhà đầu tư quốc tế. Tại hội nghị này, các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghệ cao, nhất là chip bán dẫn.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ rất quan tâm lĩnh vực phát triển công nghệ cao ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái của ngành này, đó là có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cùng nguồn nhân lực trẻ năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận và phát triển lĩnh vực chip bán dẫn khi được đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài. Đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mở ra cơ hội phát triển cho khoa học, công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách cần sự ổn định, nhất là cần có các chính sách phi thuế quan để bảo đảm lợi thế cạnh tranh, cần thu hút đầu tư thông qua hỗ trợ phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D)...

Từ thực tế các cường quốc khác trong lĩnh vực bán dẫn có thể thấy để xây dựng nhà máy sản xuất chip, cần có các điều kiện như: lực lượng lao động lành nghề dồi dào; lãnh đạo giỏi, thường là chuyên gia trong sản xuất chip từ các công ty hàng đầu trong ngành; sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Tuy nhiên, việc phát triển chip bán dẫn không đơn giản chỉ là xây một nhà máy mà đòi hỏi cần phải có hệ thống sinh thái đi kèm ổn định và bền vững, bao gồm các thành phần như cơ sở hạ tầng, nguồn điện lưới, nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của các quỹ đầu tư…

Thiếu hụt kỹ sư là thách thức đầu tiên mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu muốn trở thành một cường quốc về sản xuất chip. Việt Nam mới chỉ có từ 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho lĩnh vực bán dẫn, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu dự kiến là cần 20 nghìn người trong 5 năm và 50.000 trong 10 năm tới.

Đào tạo nhân lực ngành chip cũng là trọng tâm thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam và trong các cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ 2 triệu USD cho các sáng kiến phát triển lực lượng lao động bán dẫn, cùng các phòng thí nghiệm giảng dạy, thực hành liên quan quy trình lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn.

Bên cạnh đó, để góp phần giải quyết bài toán này, cần thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại các nước phát triển chuyển giao tri thức, qua đó giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ và có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu tham gia vào lĩnh vực thử nghiệm và đóng gói có tỷ suất lợi nhuận thấp của ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này có thể hạn chế khả năng gia nhập chuỗi giá trị để tham gia lĩnh vực sản xuất và thiết kế chất bán dẫn, lĩnh vực đòi hỏi cơ sở hạ tầng sản xuất và lao động chuyên môn hóa. Đất hiếm là nguyên liệu thô quan trọng trong việc sản xuất chip và pin.

Giải quyết được những trở ngại nêu trên, chúng ta sẽ từng bước thu hút được những tập đoàn công nghệ toàn cầu thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam và nổi lên như một trung tâm sản xuất chip bán dẫn hàng đầu khu vực.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xay-dung-chuoi-cung-ung-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post776363.html#776363|zone-highlight-1185|0



  • Từ khóa