Với những lợi thế riêng, thẻ tín dụng nội địa đang từng bước được người dân, doanh nghiệp đón nhận, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử và hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Tính an toàn, bảo mật cao
Trước đây, đa phần người dùng có nhu cầu mở thẻ tín dụng thì sẽ chọn những loại thẻ tín dụng quốc tế được các ngân hàng trong nước phát hành mang thương hiệu như: Visa, MasterCard, JCB... Tuy nhiên, cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng cho những ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu lớn. Trên mỗi giao dịch thẻ, tổ chức thẻ quốc tế có thể thu từ 3 đến 4 loại phí. Do vậy, khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, cả nhà phát hành thẻ và khách hàng đều phải trả những chi phí rất lớn.
Chính thức ra mắt thị trường dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa vào đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tăng cường hợp tác với các ngân hàng và công ty tài chính để triển khai loại thẻ này đến người dùng. Thẻ tín dụng nội địa vừa có thể sử dụng thanh toán tại thiết bị chấp nhận thanh toán (POS) ở các cửa hàng, quán ăn, siêu thị; thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, đặt phòng khách sạn, vé máy bay; vừa có thể rút tiền mặt tại tất cả máy ATM trên toàn quốc của hơn 43 ngân hàng trong mạng lưới thành viên của NAPAS. Đặc biệt, ưu điểm khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn là mức phí rút tiền tại ATM thấp hơn nhiều so với dòng sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế khác.
Thẻ tín dụng nội địa đang từng bước được người dân, doanh nghiệp đón nhận. Ảnh minh họa |
Thông qua chức năng chi tiêu trước, trả tiền sau cùng việc mở thẻ đơn giản, nhanh chóng, đây còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS cho biết, ưu đãi thẻ tín dụng nội địa không kém gì thẻ tín dụng quốc tế. Chủ thẻ có thể vay tiền tiêu trước, rồi trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày. Ngoài ra, thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế EMV, có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ. Thẻ tín dụng nội địa phi tiếp xúc còn có ưu điểm thanh toán nhanh, thực hiện số lượng giao dịch lớn trong thanh toán bán lẻ. Người dùng thẻ không cần nhập mã pin khi thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Việt Hùng, ở phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho hay: “Kể từ khi chuyển sang dùng thẻ tín dụng nội địa, tôi thấy tiết kiệm nhiều khoản chi phí hơn so với dùng thẻ tín dụng quốc tế trước đó. Việc miễn lãi lên tới 55 ngày cùng với hoàn tiền một số giao dịch giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc cân đối tài chính gia đình mỗi khi mua sắm”.
Còn nhiều tiềm năng để khai thác
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết tháng 7-2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7-2023 đạt trên 811.400 thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Có thể thấy, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ tín dụng nội địa. Những nỗ lực này của các tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam. Mục tiêu của phát hành thẻ tín dụng nội địa là hướng đến sự đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hằng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm... nhưng chưa được tiếp cận, sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa khai thác.
Các chuyên gia tài chính-ngân hàng đánh giá, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm giúp hỗ trợ tài chính tiêu dùng, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam với lệ phí trao đổi ngân hàng phù hợp, cân bằng lợi ích của các ngân hàng phát hành cũng như khách hàng. Đây còn là giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen. Tuy nhiên, thực tế kết quả triển khai kể từ khi thẻ tín dụng ra mắt vào đầu năm 2021 đến nay chưa thực sự cao, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng của dòng sản phẩm này. Số lượng thẻ tín dụng nội địa còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành (chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành).
Nhằm đẩy mạnh phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thẻ tín dụng nội địa được coi là một công cụ rất hữu hiệu. Do vậy, để thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa phát triển, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất, trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi, khuyến mãi đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa và các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa.
Cùng với đó, các tổ chức phát hành thẻ và đơn vị liên quan cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, trong đó có thẻ tín dụng nội địa; kết nối thanh toán liên thông với cổng dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm...; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán trên nền tảng công nghệ thẻ chip nội địa. Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với những tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại những điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa, không chỉ phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Theo qdnd.vn