Không dễ vay trả nợ ngân hàng khác

Thứ 3, 10.10.2023 | 09:29:54
589 lượt xem

Ngoài lãi suất thấp, người vay cần tính toán kỹ các yếu tố khác; nếu không, chi phí vay vốn có thể không giảm

Hơn 1 tháng sau khi quy định trong Thông tư 06 của Ngân hàng (NH) Nhà nước về cho vay để khách hàng trả nợ NH khác có hiệu lực, hàng chục NH thương mại như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, Sacombank… đã triển khai các gói vay phù hợp. Tuy vậy, số người được vay và giải ngân lại chiếm tỉ lệ rất thấp nhưng lại đi kèm khá nhiều điều kiện ràng buộc.

Đủ điều kiện nhưng...

"Tôi phải làm gì để vay 800 triệu đồng với lãi suất thấp nhằm tất toán trước hạn khoản vay mua nhà tại NH E.?" - anh Thanh Tuấn (quận Tân Bình, TP HCM) nhờ một cán bộ tín dụng của NH B. tư vấn.

Theo công bố, NH B. đang cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi 7,5%/năm trong năm đầu tiên hoặc 8% trong 2 năm đầu tiên. Sau đó, lãi cho vay được tính bằng lãi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,4%-3,7%. Khi biết anh Tuấn có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng và tài sản bảo đảm tại NH E. là căn nhà phố mà anh đang ở, cán bộ tín dụng NH B. nói anh đủ điều kiện để được giải ngân khoản vay mới. 

Tuy nhiên, việc giải chấp tài sản bảo đảm rất phức tạp nên cán bộ tín dụng này gợi ý anh Tuấn mượn tiền của người thân hoặc bạn bè để tất toán khoản vay cho NH E. và giải chấp tài sản bảo đảm. Sau đó, NH B. sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục cho vay rồi giải ngân để anh sớm trả lại số tiền đã mượn cho người nhà.

Không dễ vay trả nợ ngân hàng khác - Ảnh 1.

Hơn 1 tháng sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, rất ít khách hàng được vay vốn để trả nợ ngân hàng khác. Ảnh: TẤN THẠNH

"Do tôi không xoay xở được tiền để trả NH E. nên cán bộ tín dụng NH B. tiếp tục hướng dẫn tôi đề nghị NH E. đưa ra mức phạt trả nợ trước hạn và phối hợp với NH B. thực hiện giao dịch. Khi đó, các bên liên quan sẽ ký biên bản cam kết, trong đó NH E. có trách nhiệm tiến hành giải chấp tài sản bảo đảm và chuyển tài sản này sang thế chấp tại NH B. Sau đó, NH B. sẽ thay tôi tất toán số tiền đang vay tại NH E." - anh Tuấn kể lại.

Tuy vậy, cán bộ tín dụng nói trên cũng khuyên anh Tuấn cần tính toán kỹ khi chuyển khoản vay, anh phải chịu phí trả nợ trước hạn tại NH cũ tới 4%, cộng lãi suất 8%/năm và phí bảo hiểm khoản vay 1% ở NH mới. Tính ra, lãi suất vay thực tế là 13%/năm trong thời gian đầu ưu đãi, không rẻ hơn lãi suất mà anh đang vay tại NH E. "Anh có thể chọn phương án tối ưu là đề nghị NH E. giảm lãi nhiều hơn khi đến thời hạn điều chỉnh để đỡ áp lực trả lãi" - cán bộ tín dụng NH B. tư vấn.

Trưởng phòng giao dịch của một NH V. tại TP HCM cho biết gần đây một số khách hàng đang vay tiền mua nhà với lãi suất 14%/năm muốn đến vay NH khác với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, do NH ông áp dụng phí trả nợ trước hạn 3%-4%, nên nếu chuyển nợ sang NH khác sẽ không thật sự được lợi. Do đó, phòng giao dịch của ông chọn phương án thuyết phục khách hàng không chuyển dịch số tiền vay, thay vào đó NH sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới.

Vướng mắc tài sản thế chấp

Không chỉ trường hợp của anh Tuấn, rất nhiều khách hàng có nhu cầu chuyển nợ sang NH khác để hưởng lãi suất thấp hơn cũng đối diện với những rào cản này. Ngoài ra, một vấn đề lớn khác là giá trị tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản, bị sụt giảm đáng kể trong bối cảnh thị trường đình trệ, khi thẩm định lại có thể không đáp ứng yêu cầu vay hoặc nếu được vay thì mức giải ngân cũng rất thấp so với nhu cầu.

Chị Bích Phương (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết chị rất muốn chuyển sang vay NH A. nơi chị đang nhận lương hằng tháng. Đây là NH thương mại cổ phần nhà nước nên lãi suất ưu đãi chỉ 7%-8%/năm trong thời gian đầu, thấp hơn nhiều so với lãi suất 13%/năm chị đang phải trả cho khoản vay mua nhà tại NH H. (là NH cổ phần quy mô nhỏ). "Tôi đã hỏi quy định của NH A. nhưng đành thất vọng vì dự án căn hộ chung cư nơi tôi ở, chủ đầu tư ban đầu chỉ liên kết cho vay với NH H. nên giờ chuyển vay NH khác là rất khó" - chị Bích Phương kể.

Thực tế hiện nay, rất nhiều dự án chung cư, khu đô thị chưa có sổ hồng, khách hàng mua nhà ở những dự án này thường phải vay vốn ở các NH thương mại có liên kết với chủ đầu tư. Do đó, nếu khách hàng muốn chuyển nợ sang NH khác không nằm trong danh sách liên kết với chủ đầu tư dự án thì rất khó trong việc thẩm định hồ sơ, thủ tục tài sản thế chấp để vay vốn...

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một rào cản khác khiến khách hàng không thể chuyển nợ sang NH khác là... thiện chí của NH nơi đang vay vốn. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, NH "thừa tiền", cán bộ tín dụng của các NH thường thuyết phục khách hàng duy trì quan hệ tín dụng cũ, thay vì chuyển nợ.

Lãnh đạo một số NH thương mại cũng xác nhận những thực tế trên và cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có làn sóng chuyển nợ sang NH khác như kỳ vọng của các bên và cả cơ quan quản lý. 


Cần có hướng dẫn cụ thể

Để quy định về cho vay trả nợ NH khác đạt hiệu quả cũng như thúc đẩy tín dụng những tháng cuối năm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), cho rằng NH Nhà nước nên có thêm quy định, hướng dẫn chi tiết để quá trình chuyển giao tài sản bảo đảm giữa các NH thương mại được thuận lợi. Ngay thời gian chuyển khoản nợ bao lâu cũng cần phải có quy định cụ thể.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/khong-de-vay-tra-no-ngan-hang-khac-20231009210440198.htm

  • Từ khóa