Tâm tư của doanh nhân Việt nhiều lĩnh vực được bày tỏ: "Trùm" gia vị chia sẻ chuyện tiền nhiều để làm gì, ông Đỗ Cao Bảo nói về 4 đức tính quý của doanh nhân...
Những đức tính quý giá của doanh nhân
Ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - đúc kết 4 đức tính quý giá nhất của một doanh nhân là chân thành, tin cậy, đáng yêu, có trách nhiệm với xã hội. Thiếu đi một đức tính thì không thể là một doanh nhân lớn, không thể thành công trong thương mại, nếu có thành công thì chỉ là thành công nhỏ, tạm bợ mà thôi.
Ông Bảo trải lòng có thời kỳ, nhiều người đã hiểu hoàn toàn sai về thương mại và doanh nhân, coi buôn bán, thương mại là lừa gạt, là bất nhân. Nhưng thực chất, thương mại và doanh nhân buộc người ta phải đi lại, gặp gỡ, giao lưu, buộc người ta phải thuyết phục đối tác, khách hàng.
Muốn vậy, doanh nhân buộc phải tìm hiểu tâm lý, thói quen, nhu cầu của khách hàng; phải đặt mình vào địa vị của khách hàng để hiểu tâm lý, thói quen, nhu cầu, để khám phá xem khách hàng muốn gì; buộc phải nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất.
Họ còn phải tìm cách chinh phục khách hàng, thuyết phục khách hàng đồng ý mua sản phẩm, dịch vụ của mình thay vì mua sản phẩm dịch vụ của nhà cung cấp khác, của quốc gia mình mà không phải quốc gia khác.
Muốn làm được điều đó, doanh nhân phải lịch sự, chân thành, lễ độ, nghiêm túc, hiểu biết, giữ chữ tín, đáng tin cậy, đáng yêu và các trách nhiệm với xã hội, đôi khi là cả lòng dũng cảm, đi tiên phong, đại diện của tập đoàn nghìn tỷ FPT nói.
Ông Đỗ Cao Bảo (trái) và ông Nguyễn Trung Dũng (phải) cùng cho rằng một trong những đức tính quý giá của doanh nhân là giữ chữ tín.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Nhà sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods - cho biết đang tham dự triển lãm thực phẩm tại Đức. Ở đây, ông gặp nhiều công ty đã thành lập từ năm 1931, tức gần trăm năm hay có công ty vừa kỷ niệm 60 năm thành lập.
Đối với các công ty này, uy tín là quan trọng nhất nên họ mới tồn tại được gần 100 năm và vẫn liên tục phát triển. Đó là hình mẫu mà doanh nghiệp của ông muốn noi theo. Và doanh nghiệp phát triển bền vững thì chắc chắn phải có trách nhiệm với xã hội. Xã hội phát triển thì công ty mới tồn tại và phát triển bền vững.
Ông Dũng cho biết thường bắt đầu một ngày mới với suy nghĩ "một ngày mới tốt lành" và "hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua". Mục tiêu của ông và công ty là mỗi ngày cố gắng cải thiện tốt hơn một chút, bền bỉ đi từng bước nhỏ nhưng kiên định với ước mơ đưa gia vị Việt đến thật nhiều nước trên thế giới. Ông muốn giới thiệu với người tiêu dùng khắp thế giới biết Việt Nam có những sản phẩm gia vị đa dạng và ngon không thua kém gì gia vị Nhật, Hàn hay Thái Lan.
Không thần tượng một doanh nhân nào nhưng "ông trùm gia vị Việt" lại khá tâm đắc với câu nói "Tiền nhiều để làm gì" của ông chủ Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Dũng cho rằng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần có doanh số, lợi nhuận nhưng đó không phải là tất cả.
Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận thì đến một lúc nào đó có thể sẽ đi vào bế tắc. Doanh nghiệp cần tạo ra các giá trị đóng góp cho xã hội, như phát triển sản phẩm thân thiện với con người, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...
Đối với ông, nhiều tiền để có được sự tự do trong công việc, cuộc sống nhưng không nên làm nô lệ của đồng tiền. Từ khi trở về Việt Nam sau 3 lần khởi nghiệp không thành ở nước ngoài, ông Dũng khởi nghiệp lần thứ 4 với Dh Foods - công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gia vị đặc sản vùng miền.
Mỗi ngày, ông cho biết đều cảm thấy vui vì được làm điều mình thích, có tiền trả lương cho các bạn trong công ty và bản thân; được đi đá bóng mỗi tuần và sống với người mình thương. Niềm vui của ông là được nhìn thấy công ty luôn tiến lên phía trước, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng.
Nhà sáng lập công ty gia vị có đề xuất Nhà nước nên đầu tư thêm cho mảng xúc tiến thương mại, nhất là các triển lãm quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi các triển lãm quốc tế là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng - điều mà các tài liệu giới thiệu đơn thuần không thể thể hiện hết được giá trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, xuất khẩu được sản phẩm thì mới mang về ngoại tệ cho đất nước. Các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đang làm rất tốt điều này.
Những mong muốn, kỳ vọng
Chia sẻ về tâm tư nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Lê Đắc Lâm - nhà sáng lập Công ty TNHH Công nghệ VNTrip - cho biết điều mong muốn nhất hiện nay là Chính phủ chung tay cùng doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng.
Ông Lâm nói hiện nay sức mua của nền kinh tế rất yếu trong khi chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng chưa đem lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Chính phủ có thể cân nhắc triển khai các chương trình trợ giá sản phẩm, kích cầu mua sắm cùng doanh nghiệp như các nước khác đã triển khai. Việc kích cầu này để người dân có thể mua được sản phẩm, dịch vụ với giá rẻ hơn. Ông cho rằng trợ giá bằng chính sách như vậy mới đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, doanh nhân này cho biết các doanh nghiệp đang rất khó khăn. "Đặc biệt với VNTrip, chúng tôi phục vụ hàng nghìn doanh nghiệp lớn. Chúng tôi để ý theo từng tháng thấy sức chi tiêu cho doanh nghiệp giảm rõ rệt, chứng tỏ các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Năm nay, riêng các doanh nghiệp bất động sản không đi công tác một chuyến nào. Các doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng giảm 30-40%, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng rất khó khăn", ông Lâm nói.
Ông cho biết thêm, mặc dù lãi suất được công bố giảm về 5% nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn đi vay ở mức 10% đến 12%/năm, các nút thắt cho vay vẫn chưa được gỡ.
Bà Nguyễn Thị Huyền (trái), ông Hồ Quốc Lực (giữa) và ông Lê Đắc Lâm (phải) chia sẻ nhiều tâm tư, kỳ vọng ngày kỷ niệm Doanh nhân 13/10.
Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) - chia sẻ, năm 2023, không chỉ riêng Vinasamex mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có một sự ảnh hưởng nhất định bởi nền kinh tế có nhiều biến động, nhất là sau thời điểm Covid-19.
Theo bà Huyền, thông thường nhu cầu, sức mua của khách hàng sẽ tăng trưởng nhiều hơn qua mỗi năm, nhưng giai đoạn vừa qua có thể thấy lượng đơn hàng có sự chững lại, ít đơn hàng hơn. Tuy nhiên, Vinasamex vẫn tìm thấy cơ hội trong những khó khăn.
"Sau Covid-19, thói quen tiêu dùng cũng có sự thay đổi, họ quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tăng hệ miễn dịch. Theo đó, chúng tôi cũng tận dụng lợi thế của mình và coi đây là một cơ hội cho doanh nghiệp của mình", bà Huyền chia sẻ.
Vị CEO kỳ vọng bước sang tới năm 2024 sẽ là sự khởi sắc của nền kinh tế, cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những khó khăn của giai đoạn vừa qua có thể coi như "một phép thử", giữ lại những doanh nghiệp có sức mạnh nội tại, có định hướng phát triển bền vững và có sự khác biệt.
Với Vinasamex, doanh nghiệp sẽ tận dụng lợi thế từ những nhóm ngành hàng đang là xu hướng của thế giới như dược phẩm và hóa mỹ phẩm để tăng trưởng doanh thu. "Hy vọng không chỉ riêng chúng tôi mà các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ có những ý tưởng mới, có bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai", bà Huyền nhận định.
Ông Hồ Quốc Lực - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - nhận định năm 2023 là một năm nhiều biến động, khó khăn nối tiếp những khó khăn đối với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải "liệu cơm gắp mắm", có sự đánh giá, chuẩn bị kỹ càng. Đối với những sự vụ bất ngờ, doanh nghiệp cũng phải kịp thời "ứng xử", đối phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
"Năm 2024, các doanh nghiệp có lẽ sẽ còn đương đầu với nhiều khó khăn do sự phức tạp từ tình hình thế giới. Nhưng trong khó khăn riết cũng quen, không khó khăn lại thấy lạ, thấy thiếu, bởi kinh doanh là vậy", ông Lực vừa cười vừa nói.
Để kịp thời thích ứng, vượt qua những khó khăn, vị CEO Sao Ta cho rằng các doanh nghiệp cần "lượn theo chiều gió", nắm bắt thông tin kịp thời, để có những phản ứng đúng lúc.
Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa của đội ngũ doanh nhân
Phát biểu trong buổi gặp mặt với doanh nhân Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần (GDP năm 1986 đạt khoảng 8 tỷ USD). Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD năm 2022 và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị ngày 10/10 vừa qua ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những thông điệp được đặt ra đến năm 2030 là phấn đầu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới...
Tầm nhìn đến 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; chú trọng công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.
Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể.
Theo dantri.com.vn