Nửa đầu năm, Ngân hàng Trung ương của một loạt quốc gia trên thế giới đã mua ròng 387 tấn vàng. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi các nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
"Gom" vàng với số lượng kỷ lục
Theo State Global Advisors, công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đang "gom" vàng với số lượng kỷ lục kể từ đầu năm ngoái. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh các quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong dự trữ ngoại hối.
Trong một báo cáo gần đây, State Global Advisors cho biết cơ quan tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới đã mua ròng 387 tấn vàng trong nửa đầu năm 2023. Năm ngoái các Ngân hàng Trung ương cũng mua kỷ lục 1.083 tấn vàng.
Ngoài việc đa dạng hóa tài sản dự trữ, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi mong muốn của các quốc gia trong việc cải thiện bảng cân đối kế toán, tăng thanh khoản mà không tạo thêm rủi ro tín dụng.
Chia sẻ với Business Insider, Maxwell Gold, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư vàng tại State Street, cho rằng: "Động lực thúc đẩy các Ngân hàng Trung ương mua vàng là đa dạng hóa tài sản dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán. Bên cạnh đó, vàng cũng là loại tài sản ít rủi ro tín dụng và giúp các ngân hàng có thể tăng thanh khoản của mình".
Vị chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể sẽ vẫn được duy trì khi rủi ro kinh tế và địa chính trị tăng cao ở thời điểm hiện tại.
"Trong tương lai, các Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng", ông Gold dự đoán.
Các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đang "gom" vàng với số lượng kỷ lục kể từ đầu năm ngoái (Ảnh: The Australian).
Các chuyên gia cho rằng xu hướng này dường như là một phần trong kế hoạch "phi đôla hóa" của nhiều quốc gia, với mục đích giảm sự phục thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn sau khi Mỹ tận dụng ưu thế của đồng bạc xanh để áp đặt các biện pháp trừng phạt với một số quốc gia.
Trung Quốc và Nga đang đi đầu trong xu hướng này. Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng đang cân nhắc về việc sử dụng đồng tiền tệ chung.
"Trong những năm gần đây, hệ thống thanh toán SWIFT đã được sử dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran năm 2015 và Nga năm 2022. Động thái này đang vũ khí hóa đồng USD", ông Gold nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra, nếu Chính phủ coi các biện pháp trừng phạt quốc tế là mối rủi ro lớn thì việc chuyển từ tài sản bằng đồng USD sang một loại tài sản khác như vàng sẽ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong trường hợp họ chịu lệnh trừng phạt.
Một số quốc gia cũng đang tìm cách nâng cao vai trò đồng nội tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện các thỏa thuận thương mại sử dụng đồng nhân dân tệ. Indonesia gần đây cũng thành lập một cơ quan đặc biệt để mở rộng việc sử dụng các giao dịch bằng đồng nội tệ với các nước đối tác.
Trong một bài phát biểu tại sự kiện thượng đỉnh của BRICS hồi tháng 8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng phi đô la hóa là một quá trình "không thể đảo ngược" và đang nhận được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hàng chục tấn vàng được gom mỗi tháng
Nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, tránh phụ thuộc đồng USD, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 10 liên tiếp. Phía ngân hàng đã xác nhận lượng vàng thỏi do cơ quan này nắm giữ vào tháng 8 đã tăng thêm khoảng 29 tấn.
Tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng là bên mua lớn nhất trên thị trường thế giới khi nước này bổ sung thêm 23 tấn vàng vào kho dự trữ, theo số liệu mới nhất của WGC.
Hiện nay, tổng lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là 2.165 tấn, tăng 217 tấn kể từ khi Trung Quốc liên tục mua thêm vàng từ tháng 11 năm ngoái.
Theo Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là một trong những quốc gia mua vàng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cho rằng nước này đang tập trung tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Nhu cầu vàng từ Trung Quốc gia tăng đóng một vai trò quan trọng trong thị trường vàng toàn cầu (Ảnh: Reuters).
Việc Trung Quốc tích cực gom vàng đã giúp giá của kim loại quý này giữ vững ở mức cao bất chấp lãi suất tăng trên toàn thế giới. Mặt khác, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua nhiều vàng đã khiến giá vàng dễ biến động mạnh trước bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu trên thị trường.
Hiện nhu cầu của nước này vẫn còn khá lớn. Trung Quốc cũng không ngừng nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường mối quan hệ đối tác với các quốc gia BRICS nhằm tiến hành nhiều giao dịch thương mại bằng đồng tiền riêng của họ.
Theo tính toán của Bloomberg, tính đến cuối tháng 8, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ còn 3.160 tỷ USD, giảm khoảng 44,2 tỷ USD so với cuối tháng 7.
Xu hướng "gom" vàng tiếp tục duy trì
Năm 2022, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mua vàng nhiều chưa từng thấy, góp phần quan trọng trong việc giữ giá vàng ở mức cao dù chịu áp lực giảm mạnh từ môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt.
Hội đồng vàng thế giới cho rằng xu hướng mua ròng vàng của các Ngân hàng Trung ương sẽ duy trì. Dẫn đầu xu hướng này là các nền kinh tế đang phát triển với tỷ trọng dự trữ vàng trong danh mục đầu tư đang thấp hơn các nền kinh tế phát triển.
Thị trường vàng toàn cầu đã tăng trưởng cả về độ rộng và chiều sâu, cùng mức thanh khoản lớn. Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên trở thành 2 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và cũng có rất nhiều quỹ giao dịch hoán đổi vàng được xuất hiện.
Báo cáo mới nhất của WGC cho thấy, sau khi quay lại xu hướng mua ròng vàng vào tháng 6, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp tục bổ sung kim loại quý này vào kho dự trữ trong tháng 7.
Các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 55 tấn vàng trong tháng 7. Động thái này trái ngược với các tháng đầu năm nay khi các nước đẩy mạnh bán ròng vàng, riêng Thổ Nhĩ Kỳ bán tổng cộng 160 tấn.
Vàng được xem là khoản đầu tư tốt trong môi trường lạm phát cao như hiện nay (Ảnh: Morning Star).
Theo WGC, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là một phản ứng trước những biến động trên thị trường địa phương, chứ không phản ánh bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược lưu trữ vàng dài hạn của nước này.
Nhận định trên được khẳng định rõ hơn vào tháng 6 khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua vàng trở lại, bổ sung khoảng 11 tấn vào kho dự trữ của mình. Trong tháng 7, họ lại tiếp tục gom thêm 17 tấn vàng.
Ngân hàng Quốc gia Ba Lan cũng là bên mua lượng lớn vàng trong tháng 7 với khoảng 22 tấn. Ngân hàng nước này đã mua vàng trong 4 năm liên tiếp với tổng khối lượng lên đến 71 tấn.
Nửa đầu năm nay, số liệu mua vàng của các Ngân hàng Trung ương ghi nhận mức cao nhất kể từ khi Hội đồng vàng thế giới bắt đầu thu thập dữ liệu. Các chuyên gia dự báo xu hướng tăng dự trữ vàng từ năm ngoái vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tổng lượng vàng mà các nước mua vào năm 2022 là 1.136 tấn, mức mua ròng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1950. Năm nay cũng là năm thứ 13 liên tiếp các ngân hàng đẩy mạnh mua ròng vàng.
Theo khảo sát WCG công bố gần đây, 24% Ngân hàng Trung ương có kế hoạch bổ sung vàng vào kho dự trữ trong 12 tháng tới. Khoảng 71% tin rằng mức dự trữ toàn cầu sẽ đi lên trong 12 tháng tiếp theo và cao hơn năm ngoái 10 điểm %.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-quoc-gia-o-at-gom-hang-tram-tan-vang-20231013202253437.htm