Được ví như “cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, những năm qua, các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò quản lý vốn tín dụng chính sách, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng.
Trưởng thôn Nà Riềng (bên trái), xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn hướng dẫn người dân về các chương trình cho vay ưu đãi
Những ngày giữa tháng 10/2023, có mặt tại buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn 6, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, chúng tôi được chứng kiến không khí họp dân chủ, nghiêm túc. Tại đây, trưởng thôn tham gia họp cùng và bình xét cho vay đối với các hộ dân. Bà Đinh Thị Hiếu, Trưởng thôn 6 cho biết: Tôi làm trưởng thôn từ năm 2020, là Tổ trưởng Tổ TK&VV từ năm 2009. Đối với công tác quản lý vốn tín dụng chính sách, trước khi làm thủ tục để giải ngân nguồn vốn, tôi luôn phối hợp với các đoàn thể lựa chọn, bình xét các hộ được vay vốn. Cùng với đó, trực tiếp tư vấn, cung cấp kiến thức để hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nhờ đó, dư nợ của Tổ TK&VV thôn liên tục tăng trưởng qua các năm, tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong thôn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ của tổ là 2 tỷ đồng với 30 hộ vay, nguồn vốn phát huy hiệu quả, tổ TK&VV thôn không có nợ xấu, nợ quá hạn, không xảy ra trường hợp xâm tiêu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.676 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Với lợi thế trong hoạt động là gần dân, sát dân, nắm bắt rõ địa bàn và hoàn cảnh từng hộ dân, các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các tổ chức hội tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước tới người dân trên địa bàn, tham gia giám sát hoạt động của tổ TK&VV, chứng kiến việc hộ dân thỏa thuận cử đại diện đứng tên vay vốn và thực hiện giao dịch với NHCSXH, giám sát chặt chẽ quy trình bình xét vay vốn. Ngoài ra, các trưởng thôn còn nắm bắt được hiện trạng số hộ trong thôn đã vay vốn, hộ vay thuộc tổ TK&VV nào, hộ vay mới, hộ thuộc đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay để có ý kiến trong cuộc họp bình xét cho vay.
Đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình cho vay của NHCSXH trên địa bàn tỉnh đạt 4.065 tỷ đồng, với trên 66.600 hộ còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06%, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn bình quân đạt 96,8%, thu lãi bình quân đạt 99%… |
Nhờ sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tính đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 4.065 tỷ đồng, với trên 66.600 hộ còn dư nợ.
Ông Phạm Bá Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn xã đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 60,4 tỷ đồng, 1.129 lượt hộ còn dư nợ, nguồn vốn đã giúp các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 33,7% (giảm 5% so với năm 2021). Trong đó, toàn xã có 15 trưởng thôn, các trưởng thôn đã phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” trong việc giám sát, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cùng với tham gia họp bình xét cho vay, các trưởng thôn còn tham gia tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, giám sát việc xử lý nợ bị rủi ro. Nhờ đó, đến nay, xã không có nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi hằng tháng luôn đạt 100%.
Bên cạnh tuyên truyền các hộ vay sử dụng vốn vay, các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố còn theo dõi, kiểm tra hoạt động của ban quản lý tổ TK&VV nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi tham ô, chiếm dụng. Qua đó, đã góp phần quản lý hiệu quả vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06%, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn bình quân đạt 96,8%, thu lãi bình quân đạt 99%…
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là những người nắm rõ tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn của từng hộ dân. Do vậy, để nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách, chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đưa trưởng thôn tham gia vào hoạt động quản lý vốn tín dụng chính sách, nhờ đó, từ khâu bình xét cho vay, kiểm tra, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay, trả nợ, lãi luôn kịp thời. Bên cạnh đó, nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn vay, các trưởng thôn cũng chủ động tổng hợp ý kiến và kịp thời thông tin để có biện pháp xử lý. Để phát huy vai trò của trưởng thôn trong hoạt động quản lý vốn tín dụng chính sách, hằng năm, chi nhánh đều tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho 100% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong việc truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách tới các đối tượng trong diện thụ hưởng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo baolangson.vn