Nền kinh tế “khát” vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn. Đây thật sự là một nghịch cảnh phát triển. Tín dụng chung, tính đến cuối tháng 9/2023, đạt gần 7%, cho thấy những tín hiệu cải thiện của sự tăng trưởng, nhưng để đạt mục tiêu 14% đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đột phá hơn nhằm giải tỏa phần nào nghịch lý thừa-thiếu vốn đang tồn tại.
Kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần Lilama 18 lắp đặt các thiết bị tại dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4.
Bài 1: Doanh nghiệp với bài toán chi phí
Trải qua ba năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, cộng hưởng tác động khó khăn chung từ bối cảnh kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng. Trong đóng góp chung vào những thành tựu đó, cộng đồng doanh nghiệp giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng.
Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, mặc dù Chính phủ đã mở cửa lại hầu hết các ngành nghề và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng phần lớn trong số đó vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Cân đong giữa lãi suất và lợi nhuận
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đã trải qua trong thời gian qua, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lilama 18 Lê Quốc Ân cho hay, hiện nay đơn vị còn gặp rất nhiều khó khăn và trong thời điểm này, Ban lãnh đạo công ty chỉ lấy việc vẫn bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng cho toàn bộ gần 3.000 cán bộ nhân viên, người lao động làm niềm hạnh phúc, chứ chưa dám đặt nặng đến vấn đề lợi nhuận.
Thực tế, để gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp. Số liệu từ báo cáo tài chính của Lilama 18 cho thấy, lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm 2023 của công ty giảm 50,92% so cùng kỳ. Đáng chú ý, dù lợi nhuận gộp (từ doanh thu và giá vốn) sáu tháng đầu năm của công ty tăng gần 4% và lợi nhuận khác tăng hơn 125%, nhưng do các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay khiến chi phí tài chính bị đội lên, tăng đến 30,29%; dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm so cùng kỳ.
Không giống như nhiều loại hình doanh nghiệp khác trong thời buổi khó khăn có thể “không cần” vay vốn ngân hàng để chờ đợi cơ hội, doanh nghiệp cơ khí chế tạo có đặc thù cần số vốn lớn và trong thời gian dài. Trên thực tế, phần lớn các công ty cơ khí, xây lắp lớn hiện nay đều có vốn điều lệ thấp, dưới 200 tỷ đồng. Đơn cử như với Lilama 18 vốn điều lệ tại thời điểm 30/6 là gần 94 tỷ đồng. Hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt, gia công chế tạo và bảo trì bảo dưỡng thiết bị với địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước, nhưng với số vốn sở hữu ít ỏi như vậy, điều tất yếu buộc phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn tạm ứng từ các công trình, mới có thể huy động đủ nguồn lực cho các dự án.
“Chính vì thế, việc lãi suất ngân hàng tăng cao thật sự là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Với tổng dư nợ tại các ngân hàng là khoảng 300 tỷ đồng, năm 2022 công ty phải trả hơn 40 tỷ đồng tiền lãi và sáu tháng đầu năm là hơn 20 tỷ đồng bởi chúng tôi vẫn phải chịu lãi suất hơn 10%/năm. Đến thời điểm tháng 9/2023, mới được hưởng lãi suất hơn 8%/năm cho khoản vay có kỳ hạn 6-8 tháng. Để giảm bớt gánh nặng, chúng tôi mong muốn lãi suất cho vay cần phải được các ngân hàng điều chỉnh giảm sâu hơn nữa”, Tổng Giám đốc Lilama 18 Ngô Quang Định chia sẻ.
Tìm đòn bẩy từ cơ chế đặc thù
Có thể nói, điểm tích cực trên thị trường thời gian qua là mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể từ sau quý I/2023 nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Mặc dù vẫn còn cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng cũng không thể phủ nhận nguồn vốn tín dụng đã và đang là đòn bẩy giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và phát triển.
Công ty lương thực Phước Hưng (Cần Thơ) hiện đang có khoản vay 45 tỷ đồng tại ngân hàng để thu mua sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Theo chia sẻ của Giám đốc Công ty Trần Phước Hưng, thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay mà ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp là 9,5%/năm, sau đó điều chỉnh giảm xuống 8%/năm và từ ngày 8/9 hạ xuống còn 6,5%/năm. Đây là một mức lãi suất đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp, nhưng lại mới chỉ là lãi suất vay áp cho vốn lưu động có thời gian vay ngắn, chỉ 5 tháng. Còn với khoản vay đầu tư có thời hạn dài, lãi suất vẫn ở mức rất cao.
“Chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội ở thị trường xuất khẩu lúa gạo trong những năm tới và dự kiến cần vay ngân hàng thêm 130 tỷ đồng vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc, hệ thống công nghệ sấy và xay xát lúa gạo cho dây chuyền sản xuất có quy mô 6 ha. Nhưng khoản vay này, hiện ngân hàng đang “chào” đến 9%-9,5%/năm cho nên công ty phải rất cân nhắc bởi với mức lãi này, doanh nghiệp sẽ chưa dám mạnh dạn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài. Tôi mong lãi suất cho vay giảm xuống khoảng 7%/năm”, ông Hưng tâm sự.
Đồng quan điểm về vấn đề lãi suất, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Thương mại Ph ương Thảo Phát (Bắc Ninh) cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phù hợp hoàn cảnh của doanh nghiệp hiện tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù, cũng như nguồn vốn tín dụng ưu đãi,...
“Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí… sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau dịch Covid-19. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tham mưu Chính phủ, xây dựng và sớm ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp theo từng thời điểm ngắn hạn, bám sát tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp Phương Thảo Phát kiến nghị.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) Lê Vĩnh Sơn cho biết, việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.
Trên một góc độ khác, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng (Thái Nguyên) Nguyễn Thị Vinh lại cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với bốn vấn đề lớn, trong đó vấn đề lớn nhất là thị trường và đơn hàng. Tiếp đến, là vấn đề pháp lý khi khâu cải cách thủ tục hành chính hiện nay đang rất chậm so với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhiều bộ luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Riêng với vốn, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ trong vấn đề dự báo chính sách, đặc biệt là tỷ giá; duy trì được chính sách lãi suất ổn định lâu dài; có sự bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp,…”, đại diện Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm.
(Còn nữa)
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/giai-toa-nghich-ly-thua-thieu-von-post778327.html