Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lớn mạnh là tạo nền tảng để ngành công nghiệp của một quốc gia phát triển vững chắc. Dù đạt được những kết quả tích cực, song ngành CNHT Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành... Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Đưa công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị
Ngành CNHT ở Việt Nam những năm gần đây có bước chuyển mình tích cực, ngày càng gia tăng số doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng cho bước tiến của CNHT Việt Nam chính là nhìn từ trường hợp Tập đoàn Samsung. Còn nhớ, năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm điện thoại Galaxy S4 và Tab (máy tính bảng). Nhưng Samsung đã không thể tìm được nhà cung ứng nào, dù chỉ để sản xuất linh kiện đơn giản nhất. Nhưng chỉ một năm sau, có 4 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, và từ đó đến nay, danh sách này tăng dần. Tới nay, có khoảng 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Không chỉ vậy, việc Samsung đầu tư và đưa vào sử dụng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển có quy mô lớn tại Việt Nam vào năm 2022 một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành "cứ điểm" sản xuất toàn cầu của tập đoàn này.
Hoạt động sản xuất tại Hưng Yên của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi. Ảnh: HƯƠNG DỊU |
Ngoài Samsung, cuối năm 2022, Tập đoàn BMW (Đức) thông báo về việc hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) trong việc sản xuất và lắp ráp một số dòng xe của hãng này tại Việt Nam. Theo đó, THACO sẽ sản xuất và lắp ráp 4 dòng sản phẩm chính gồm BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series. Thỏa thuận hợp tác này cho thấy, lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và lắp ráp được những dòng xe cao cấp của một hãng uy tín trên thế giới ngay tại Việt Nam. Có thể thấy, doanh nghiệp CNHT trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%; cơ khí chế tạo đạt 15-20%; sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay cũng mang tới cơ hội lớn cho ngành CNHT tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với lợi thế nhất định về kinh tế-chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến với hàng loạt doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong đó, làn sóng dịch chuyển này sẽ đổ vào công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn...
Đề xuất cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNTT
Có nhiều cơ hội để ngành CNHT nước ta tạo bước đột phá trong phát triển nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành CNHT Việt Nam cần phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn. Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp CNHT chưa nhiều; ngành CNHT vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, các sản phẩm CNHT tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí, còn những sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp vẫn do các doanh nghiệp FDI nắm giữ. Cùng với đó, phần nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp CNHT đã được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức; nguồn nhân lực cho CNHT còn thiếu...
Liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực, TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu thực tế, hiện nay số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành CNHT rất hạn chế so với nhu cầu của ngành. Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực CNHT, cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội. Cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Ninh Bình. |
Để nâng cao năng lực cho CNHT, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần được hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng... Các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế, chính sách, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT do Bộ Công Thương đang trình Chính phủ... Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp nhựa cho hay, với môi trường đầu tư kinh doanh như tại Việt Nam, sẽ có nhiều tập đoàn lớn tìm đến, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, chính bản thân doanh nghiệp phải nâng cao trình độ công nghệ để sản xuất được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng. Khi đó, đối tác chỉ cần đưa mẫu, nói ý tưởng, doanh nghiệp sẽ thiết kế và sản xuất sản phẩm, ngay cả với các cụm linh kiện phức tạp hơn, có giá trị gia tăng cao.
Để giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, ông Phạm Tuấn Anh thông tin, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp CNHT. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, trong đó điểm mới nhất là đề xuất việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT; đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm CNHT, đồng nghĩa với mở rộng danh sách hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau. Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp CNHT, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp CNHT.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-luc-cho-cong-nghiep-ho-tro-748011