Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ 3, 24.10.2023 | 14:52:41
588 lượt xem

Trong suốt thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời với những khó khăn, thách thức từ tác động bên ngoài và bối cảnh trong nước. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Liên tục giảm lãi suất điều hành

Kể từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn do tác động từ diễn biến địa chính trị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Tại nhiều quốc gia, lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, việc kiểm soát lạm phát gặp thách thức khi giá hàng hóa thế giới biến động khó lường, tăng mạnh trong nhiều thời điểm. Trước tình hình đó, các ngân hàng trung ương lớn của nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VIỆT ANH

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để vận động sự thống nhất của các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kết quả, đến nay mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1%-2%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Liên quan đến tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày 3-10-2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, trong báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tháng 11-2022, Việt Nam đã được đưa ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

Cuối tháng 8-2023, Tạp chí Tài chính toàn cầu (Global Finance Magazine) đã tôn vinh các Thống đốc ngân hàng trung ương trên thế giới giành được xếp hạng A+, A hoặc A- trong Báo cáo đánh giá và xếp hạng các Thống đốc ngân hàng trung ương năm 2023. Các Thống đốc ngân hàng trung ương được xếp hạng từ A tới F dựa trên các tiêu chí thành công của việc kiểm soát lạm phát, đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đồng tiền và điều hành lãi suất (Xếp hạng A tương ứng với việc điều hành xuất sắc, xếp hạng F là tương ứng với việc điều hành không đạt được mục tiêu). Các Thống đốc ngân hàng trung ương được xếp hạng A+ (mức cao nhất) tại Báo cáo đánh giá và xếp hạng các Thống đốc ngân hàng trung ương năm 2023 của Tạp chí Tài chính toàn cầu là: Shri Shaktikanta Das (Ấn Độ); Thomas J. Jordan (Ấn Độ) và Nguyễn Thị Hồng (Việt Nam). Điều đó cho thấy hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.

Hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn trong thời gian tới của nước ta cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ đã sử dụng quá nhiều trong thời gian qua và dư địa hiện tại là rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần đẩy mạnh thực chất các giải pháp nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Hoạt động sản xuất Vonfram tại Masan High-Tech Materials (công ty thành viên của Tập đoàn Masan). Ảnh: NGỌC MY

Về định hướng hoạt động thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra. Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chinh-sach-tien-te-linh-hoat-gop-phan-on-dinh-kinh-te-vi-mo-748353

  • Từ khóa