Ngoài các lĩnh vực đang phát triển và đã trở nên phổ biến là an ninh mạng, nội dung số, công nghệ môi trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tập trung đẩy mạnh một số lĩnh vực mới là công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, công nghệ y tế, thành phố thông minh và nhà máy thông minh.
Kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường - Ảnh minh họa
Thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho tăng trưởng xanh
"Kinh tế nâu" (Brown Economy) được nhiều quốc gia theo đuổi trong thời gian dài. Việc các quốc gia chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác đã giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài. Tuy nhiên, điều này đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Trong đó có Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự thảo, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; kịp thời hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Qua đó, góp phần hình thành một môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo thực chất và hiệu quả cũng như khuyến khích tạo ra các cộng đồng đổi mới sáng tạo có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh.
NIC: Mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao NIC làm đầu mối, cầu nối thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Cơ sở mới của Trung tâm NIC tại Hòa Lạc.
Ngoài các lĩnh vực đang phát triển và đã trở nên phổ biến là an ninh mạng, nội dung số, công nghệ môi trường, NIC tập trung đẩy mạnh một số lĩnh vực mới là công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, công nghệ y tế, thành phố thông minh và nhà máy thông minh.
Đây là các lĩnh vực chiến lược, nhiều tiềm năng giúp nền kinh tế Việt Nam có nhiều gam màu sáng hơn, góp phần đưa đất nước đến những giai đoạn phát triển nhanh và bền vững, sớm đạt được mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra tại NIC Cơ sở Hòa Lạc từ ngày 28/10 đến 1/11 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC phối hợp với các đối tác uy tín tổ chức, có các diễn đàn chuyên ngành về bán dẫn, hydrogen, và công nghệ y tế.
Cụ thể, vào chiều 28/10, “Diễn đàn cấp cao Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam” sẽ diễn ra; hứa hẹn là nền tảng tiên phong mở đường cho tương lai phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam, diễn đàn hướng đến việc cung cấp các xu hướng công nghệ đến chuỗi giá trị chung ngành năng lượng.
Ngoài ra, xu hướng đầu tư toàn cầu, định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình “hydrogen hóa” và khung chính sách hỗ trợ cũng là những chủ đề đáng được quan tâm trong khuôn khổ chương trình.
Sáng 29/10, NIC tổ chức“Diễn đàn Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: Giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo". Diễn đàn hướng đến việc cung cấp các xu hướng, các nghiên cứu tiên tiến cũng như những ứng dụng khoa học đang được áp dụng để nâng tầm hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tham gia diễn đàn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ khám phá và tìm ra các mô hình telehealth phù hợp, nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo ngành y tế diễn ra hiệu quả và thành công, góp phần thực hiện mục tiêu "vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn" trong tương lai.
Cũng trong khuôn khổ VIIE 2023, "Diễn đàn Quốc gia về công nghiệp bán dẫn" chính thức diễn ra vào chiều 29/10. Diễn đàn là nơi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn và khách mời đưa ra những góc nhìn đa chiều về thực trạng ngành bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới.
Đại diện lãnh đạo NIC cho biết, tận dụng những lợi thế đang có của Việt Nam đồng thời hiện thực hóa tầm nhìn là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, NIC sẽ luôn sát cánh với các doanh nghiệp trong nước tham gia xu thế chuyển dịch năng lượng cũng như tạo tiền đề để các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở rộng hợp tác, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật, cùng nhau tạo ra các giải pháp đột phá cho ngành các công nghệ chiến lược đầy tiềm năng này./.
Theo baochinhphu.vn