Ngày 30/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại hội nghị.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này những chuyển biến tích cực.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so năm 2022. Các địa phương thu hút đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp là Long An, Tiền Giang, Cà Mau…
Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại vùng vẫn còn gặp một số vướng mắc như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, năng suất lao động thấp.
Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, chưa có quy trình, thủ tục rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư…
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang đầu tư và hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ về chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng tăng hỗ trợ tài chính và hành chính trong tiếp cận chính sách.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện và trình chính phủ đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao đến 2030, với các quy định ưu đãi rõ ràng với các chủ thể tham gia đề án này.
Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh liên kết đầu vào sản xuất và đầu ra trong tiêu thụ nông sản để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro trong đầu tư phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng.
Theo nhandan.vn