iệc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh sẽ góp phần hiện thực hóa các nỗ lực của Việt Nam-Đan Mạch trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi xanh, nâng cao tham vọng toàn cầu về khí hậu, cũng như bảo đảm công bằng cho xã hội, tạo ra việc làm xanh và hạn chế gia tăng bất bình đẳng ở cả hai quốc gia.
Sau Lễ công bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch vào ngày 1/11 vừa qua, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đã có buổi trao đổi với báo chí về những nội dung xoay quanh lần hợp tác quan trọng này.
Khẳng định sự ưu tiên và cam kết hỗ trợ của Đan Mạch đối với Việt Nam
Nhìn lại mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Đan Mạch, có thể thấy rằng, sự hợp tác giữa hai quốc gia được hình thành và phát triển không chỉ dựa trên lợi ích song trùng của hai đất nước mà còn được vun đắp bởi tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc.
Từ năm 1993-2015, Đan Mạch là một trong những quốc gia có chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Đến năm 2013, hai nước ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện, nâng tầm quan hệ song phương từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ Đối tác toàn diện, phối hợp bao trùm các lĩnh vực như: đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, văn hóa, giáo dục và y tế xã hội; trong đó, chuyển đổi xanh luôn là chủ đề được chú trọng hơn cả.
Việt Nam là quốc gia thứ 5 trên thế giới mà Đan Mạch quyết định thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh. Đây là minh chứng cho thấy sự ưu tiên và cam kết của Chính phủ Đan Mạch trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việc thiết lập mối quan hệ này nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi diễn ra đồng bộ từ Chính phủ, đến các bộ, ngành và các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz
Với tư cách là Đối tác toàn diện của Việt Nam, Đan Mạch đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chuyển đổi xanh. Điều này thể hiện rõ từ cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26, đến việc Việt Nam tham gia vào Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hay phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định: “Việt Nam là quốc gia thứ 5 trên thế giới mà Đan Mạch quyết định thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh. Đây là minh chứng cho thấy sự ưu tiên và cam kết của Chính phủ Đan Mạch trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việc thiết lập mối quan hệ này nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi diễn ra đồng bộ từ Chính phủ, đến các bộ, ngành và các doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Toàn cảnh buổi làm việc với báo chí tại Đại sứ quán Đan Mạch. |
Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế của Việt Nam, nỗ lực hướng tới việc sử dụng nhiều công nghệ xanh và thực hành bền vững. Trong lần hợp tác này, Đan Mạch có thể đóng góp bằng các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh.
Dựa trên những thảo luận và mong muốn chung, Đan Mạch sẽ là bên đưa ra những khuyến nghị, đề xuất các phương án khả thi. Căn cứ vào đó, Việt Nam sẽ xem xét và lựa chọn giải pháp phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và môi trường. Đan Mạch cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện các kế hoạch.
Ông Nicolai Prytz nhấn mạnh, Đan Mạch tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công mà mối quan hệ đối tác này mang lại, vì hai quốc gia đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức giống nhau và cùng chia sẻ mức độ tham vọng, cam kết cao. Cả hai nước đều hướng đến một mục tiêu chung là tương lai xanh.
Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư theo hướng bền vững
Theo ông Troels Jakobsen, Trưởng bộ phận Thương mại (Đại sứ quán Đan Mạch), có khoảng 135 công ty Đan Mạch đang hoạt động ở Việt Nam. Mặc dù là quốc gia nhỏ chỉ với 5.8 triệu dân, nhưng Đan Mạch hiện sở hữu 155 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cũng là một trong các nước châu Âu có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam không chỉ tham gia vào chuỗi sản xuất, gia tăng thu nhập, mà còn quan tâm đến quyền lợi của người lao động, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm tốt. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển bền vững, mang lại giá trị thực sự cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực mà Đan Mạch có thể học hỏi. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz bày tỏ sự thán phục trước tinh thần nghiên cứu, chịu khó và sự sáng tạo trong việc tìm ra những cách làm đầy mới mẻ, hiệu quả của người dân Việt Nam. Các chuyên gia Đan Mạch khi tới Việt Nam cũng bất ngờ về những cách thức thú vị mà Việt Nam đang triển khai và đã học hỏi để về vận dụng tại nước mình.
Điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ hiện là mảng đầu tư được các công ty Đan Mạch đặc biệt quan tâm. |
Ông Nicolai Prytz chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi xanh, chúng ta cần đưa khái niệm chuyển đổi xanh vào mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế và xã hội. Khi chúng ta cùng chung chí hướng, lần bắt tay này sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Việc tiến hành các hoạt động của quan hệ Đối tác Chiến lược xanh giữa hai quốc gia sẽ tập trung triển khai ở 3 cấp độ. Trước hết là quan hệ chính trị, hai nước sẽ tăng cường đối thoại, trao đổi về các chương trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đề ra những mục tiêu dài hạn về tăng trưởng xanh.
Tiếp đến, Việt Nam-Đan Mạch sẽ đẩy mạnh hợp tác ở một số ngành đang thực hiện. Hai bên cũng sẽ trao đổi, tìm những quan điểm, cam kết chung để đưa ra bàn luận tại Hội nghị COP28 sẽ diễn ra sắp tới và tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động của JETP.
Cuối cùng, về kinh tế, hai bên cũng sẽ cùng đưa ra những chính sách, các khung pháp lý phù hợp để khuyến khích đầu tư xanh từ lĩnh vực tư nhân. Hai nước cũng sẽ tìm ra những lĩnh vực mới để thúc đẩy các hợp tác, đặc biệt là những lĩnh vực mà Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm và Việt Nam cũng đang có nhu cầu phát triển.
Bà Sharissa Devina Funk, Tham tán năng lượng (Đại sứ quán Đan Mạch) cho biết, điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ là mảng đầu tư mà các công ty Đan Mạch đang rất quan tâm. Sau tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.
Ngoài ra, Đan Mạch sở hữu các công cụ để dự đoán, đánh giá tương lai của điện gió và tiến hành kiểm toán năng lượng. Quốc gia này dự định sẽ hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để Việt Nam có thể chủ động trong công tác kiểm toán năng lượng.
Theo nhandan.vn