Câu chuyện tiếp cận vốn tín dụng là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực đẩy mạnh, gia tăng mở rộng tín dụng từ nay đến cuối năm để giúp doanh nghiệp vừa giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế thế giới, vừa khắc phục hạn chế nội tại của chính các doanh nghiệp.
Kiểm tra sản phẩm tại kho hàng của Công ty 2/9 Đắk Lắk.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022; trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Nhiều yếu tố cản đà tăng tín dụng
Đến thời điểm này, thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang cho biết, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.
"Xét về cân đối cung-cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác," ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Nhìn nhận tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm dù hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành hợp lý; tuy nhiên, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để cho nên cũng gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, nếu trước đây lãi suất là một trong những nút thắt lớn cản trở doanh nghiệp vay vốn, thì nay theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp, "lãi suất đã không còn là vấn đề lớn", thay vào đó là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm,…
Ông Nguyễn Văn Cửu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê lớn nhất tại tỉnh Đắk Lắk với doanh thu gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm cho hay, năm 2022, lãi suất cho vay cao khiến chi phí của công ty tăng từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn cũng "dễ thở" hơn.
Theo báo cáo, dư nợ vay của Công ty 2/9 niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 20 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay thêm, theo ông Cửu, là do chưa đến mùa vụ.
Đại diện Công ty xuất khẩu cà-phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) Trần Thị Lan Anh cũng chia sẻ, hiện nay, một trong những khó khăn, thách thức mà khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng, là họ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu.
Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản khiến các doanh nghiệp chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà-phê lại rất khẩn trương vì đây là mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. "Vì vậy, ngân hàng cần có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, nhất là ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có cà-phê. Ngoài ra có thể xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào phương án sản xuất, kinh doanh, hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hóa,… để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp", bà Trần Thị Lan Anh đề nghị.
Gấp rút "đẩy" vốn ra nền kinh tế
Trước nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, ngoài tiếp tục giảm lãi suất cho vay, phần lớn các ngân hàng thương mại đều "tung" ra các gói cho vay với từng đối tượng, từng ngành hàng với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn, tăng khả năng cho vay. Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, từ đầu năm đến nay Vietcombank đã 9 lần giảm lãi suất với mức giảm từ 1,5-2,5%.
Trong những ngành hàng trọng yếu với những khách hàng tốt Vietcombank cho vay với lãi suất dưới 3%/năm. "Với mặt bằng lãi suất giảm mạnh thì lãi suất không còn là vấn đề để doanh nghiệp cân nhắc như thời điểm quý II, quý III/2023. Quan trọng nhất thời điểm này là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp", ông Nguyễn Thanh Tùng nhìn nhận.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB Nguyễn Thị Hoài Thanh, để hỗ trợ doanh nghiệp, SHB đã dành hàng nghìn tỷ đồng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thông thường để thu hút và hỗ trợ khách hàng.
Nhất là trong giai đoạn 2023-2024, SHB đang triển khai đồng thời Chương trình ưu đãi lãi suất như: Ưu đãi lãi suất ngắn hạn với quy mô 6.000 tỷ đồng tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động, dành 1.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất trung dài hạn, cho vay ký kết với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất thấp và cố định trong thời hạn vay,…
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang thông tin thêm, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, mặc dù lãi suất thế giới vẫn tiếp tục tăng và giữ ở mức cao.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm này, lãi suất VND cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới tại các ngân hàng thương mại giảm 2,2%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thời gian qua, nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được triển khai, nhưng kết quả thực tế chưa được như mong đợi. Phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Những tháng cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp gấp rút đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để hoàn thành mục tiêu cho nên cần bổ sung lượng vốn lớn. Do đó, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp tiếp cận được thêm nguồn vốn lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Ông MẠC QUỐC ANH Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội |
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/gia-tang-mo-rong-tin-dung-post781162.html