Bắt đầu làn sóng hạ lãi suất cho vay

Thứ 7, 11.11.2023 | 09:38:27
486 lượt xem

Tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu vốn chưa phục hồi buộc các ngân hàng phải giảm thêm lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu của thị trường

Cùng với loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho các khoản vay mới, nhiều ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu để thúc đẩy nhu cầu vay vốn trên thị trường, hỗ trợ khách hàng.

"Đua" giảm lãi suất

NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố giảm tới 2 điểm % lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và DN nhằm chia sẻ khó khăn của khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm. Trong đợt này, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, dự án xanh… và các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. 

"Chúng tôi sẽ chủ động đánh giá các khoản vay và thông báo cụ thể về chương trình giảm lãi suất tới các khách hàng hiện hữu. Cùng với giảm lãi suất, NH cũng dành 5.000 tỉ đồng lãi suất từ 6,97%/năm hỗ trợ DN bổ sung vốn lưu động ngắn hạn và dành 1.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi cho khách hàng DN có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên" - đại diện NH nói.

Bắt đầu làn sóng hạ lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp .Ảnh: TẤN THẠNH

Bắt đầu làn sóng hạ lãi suất cho vay - Ảnh 2.

Riêng khách hàng là DN FDI và DN có hoạt động xuất khẩu, SHB có gói ưu đãi lãi suất 50 triệu USD với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,8%/năm…

Trước đó, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 1-11 đến hết 31-12, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm 2023, Agribank sẽ giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn cho vay hiện hành của Agribank, trong đó có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3 đến 4 điểm %. 

Việc giảm lãi suất này áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay,… và không áp dụng lãi phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng.

Trong khi đó, NH TMCP Bản Việt vừa tung ra gói siêu ưu đãi lãi vay linh hoạt từ nay đến hết năm 2023, áp dụng cho khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… Lãi suất của gói này chỉ từ 6,5%/năm, giảm 0,4 điểm % so với khoảng 1 tuần trước,

Không chỉ lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng tiếp tục giảm nhanh. Từ ngày 10-11, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % lãi suất tiền gửi. Hiện, lãi suất gửi cao nhất tại NH này kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm.

Nhóm NH cổ phần vừa và nhỏ cũng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về quanh mức 5%/năm. Đơn cử, tại ACB, khách hàng gửi số tiền dưới 200 triệu kỳ hạn 12 tháng lãi suất chỉ 4,7%/năm hay tại VPBank, kỳ hạn tiền gửi 12 tháng chỉ có lãi suất 5,3%/năm…. Những NH có quy mô nhỏ hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng về quanh 5,8%/năm.

Chắc chắn sẽ giảm thêm

Theo ghi nhận, hơn 1 năm nay, thị trường mới chứng kiến làn sóng "đua" hạ lãi suất, tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp trên thị trường ở cả NH thương mại quốc doanh và cổ phần để kích thích nhu cầu vay vốn từ thị trường. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đến hết tháng 10 mới đạt trên 7%, còn rất xa so với mục tiêu 14%-15% của cả năm.

Giám đốc một chi nhánh Vietcombank tại TP HCM cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5%-7%/năm, trung và dài hạn hạn 8,5%-11,5%/năm. Sau khi khách hàng trả hết nợ cũ, tiếp tục vay mới sẽ được các NH giảm thêm 1-2 điểm %. "Đây là mức lãi suất rất thấp nhưng tín dụng tăng không nhiều vì khách hàng không có nhu cầu vay thêm, trong khi đó người dân vẫn ồ ạt gửi tiền vào NH. Vì thế, trong thời gian tới lãi suất vẫn có thể giảm thêm" - giám đốc chi nhánh này dự báo.

Trong bối cảnh NH đang tồn kho về vốn, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 10 mới bằng 50% so với mục tiêu tăng của năm 2023 là 14%, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất tiền gửi còn giảm tiếp. Thực tế, lãi suất tiết kiệm giảm sâu nhưng người dân vẫn gửi tiền vào NH vì họ không dám bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn khó, giá vàng, chứng khoán biến động bất thường, còn tỉ giá USD/VNĐ có tăng nhưng mức sinh lời thường không cao. 

"Sức ép NH thừa vốn sẽ tiếp tục diễn ra, trong khi nhu cầu vay vốn không thể một sớm một chiều tăng lên. Từ đó, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện làn sóng giảm lãi suất cho vay nhằm giảm thêm chi phí cho DN" - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank, cũng cho rằng trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, các NH rất muốn đẩy vốn ra thị trường, nhân viên NH cũng quyết liệt tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay. 

Trong bối cảnh này, cùng với mặt bằng lãi suất tiền gửi đi xuống, lãi suất cho vay cũng sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Thống kê của chứng khoán Maybank cho thấy lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn chưa thấp bằng giai đoạn COVID-19, do đó phải giảm thêm cho bằng với giai đoạn dịch mới đủ kích thích nhu cầu vay vốn từ thị trường.

Trả lời tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết NH Nhà nước đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các NH thương mại khoảng từ 1-1,5 điểm %. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay theo thống kê cũng như đánh giá của NH Nhà nước, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới có thể giảm 2-2,2 điểm %, tức là vượt hơn kỳ vọng. 

"Còn một số khoản cho vay trước đây, khi các NH huy động cao nên vẫn còn đang neo cao vì độ trễ của chính sách. NH Nhà nước đã đề nghị các NH thương mại bằng mọi biện pháp, kể từ nay đến cuối năm phải tiết giảm chi phí, kể cả lãi suất những khoản vay trước đây để hỗ trợ cho DN" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói. 

Cần chính sách tiền tệ có mức độ độc lập cao

Ngày 10-11, hội thảo "Lạm phát, lạm phát kỳ vọng và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh mới" do Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TP HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết Việt Nam phải thường xuyên thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, là vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát vừa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

TS Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng lạm phát ở Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy, tức là do giá nhập khẩu xăng dầu và giá hàng hóa cơ bản. "Lạm phát do cầu kéo không đáng kể nhờ hiệu ứng suy giảm vòng quay tiền tệ, nên việc kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ quá mức có thể không hiệu quả. Đối với một nền kinh tế đang phát triển thì lạm phát là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng rất quan trọng. Và chi phí cho việc thận trọng quá mức về lạm phát có thể lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà lạm phát thấp mang lại" - ông Nguyễn Tú Anh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, vấn đề khó nhất của Việt Nam hiện nay không phải là NH không có tiền để cho vay mà là khách hàng muốn vay nhưng bế tắc do tổng cung chưa phục hồi, xuất khẩu giảm mạnh, thị trường bất động sản còn khó. "Có tới 80% tài sản thế chấp ở NH thương mại là bất động sản, thị trường này khó khăn về pháp lý không giải quyết được sẽ gây tắc nghẽn tín dụng" - ông Nguyễn Tú Anh nói.

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học UEL, nhận định với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam sẽ khó tránh những tác động từ kinh tế thế giới. Bối cảnh này đặt ra bài toán phải xây dựng chính sách tiền tệ có mức độ độc lập cao để phản ứng với những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

L.Anh


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/bat-dau-lan-song-ha-lai-suat-cho-vay-20231110212003482.htm


  • Từ khóa