“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2023 diễn ra ngày 15/11.
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho phát biểu tại sự kiện
Triển lãm VIMEXPO thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, là sự kiện cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư.
Đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp tham gia triển lãm, chia sẻ tại sự kiện, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho nêu rõ, sau khi đầu tư vào Việt Nam, Samsung đã hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Công Thương và nỗ lực cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 2015, các chuyên gia từ công ty mẹ của Samsung đã được cử sang Việt Nam để tư vấn cải tiến sản xuất và chất lượng cho khoảng 400 doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Samsung đã hỗ trợ để 207 tư vấn viên người Việt được đào tạo.
"Chính các tư vấn viên này lại đi khắp Việt Nam tư vấn cho các công ty khác và họ đang tạo ra những kết quả tuyệt vời", ông Choi nói.
'Đồng thịnh vượng'
Cũng theo Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu– một lĩnh vực chủ chốt của ngành công nghiệp quốc gia cũng đang được triển khai suôn sẻ.
VIMEXPO 2023 chính thức khai mạc
Bên cạnh đó, chương trình tư vấn xây dựng nhà máy thông minh nhằm phát triển ngành công nghệ cao, công nghiệp giá trị gia tăng cao cũng đang được Samsung hỗ trợ triển khai từ năm 2022.
Nhắc tới kế hoạch của Samsung trong tương lai, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ: "Trên nền tảng triết lý kinh doanh của Samsung Việt Nam là 'đồng thịnh vượng', trong thời gian tới Samsung cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, tiếp tục các hoạt động phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam".
Đặc biệt, ông Choi cũng nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp Việt: "Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo tạo bài bản". Kính mong sự quan tâm và hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp này", ông Choi nói.
Samsung cho đến nay đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 là doanh nghiệp Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp gần 30 lần sau 15 năm, lên tới khoảng 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy, 1 trung tâm Nghiên cứu và Phát triển và 1 pháp nhân bán hàng. Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. SEHC (TP. Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á. Đặc biệt, SRV – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam được khánh thành vào tháng 12/2022 cũng là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết phát triển đồng thịnh vượng cùng Việt Nam của Samsung.
Theo baochinhphu.vn