Bên cạnh việc được hưởng các ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp xuất khẩu da giày đang phải đối diện với các tiêu chuẩn thay đổi từ phía thị trường, đòi hỏi sự thích ứng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp da giày gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.
Xuất khẩu da giày đối diện nhiều khó khăn
Nếu như trước đây, việc thiết kế và sản xuất phụ kiện cho các sản phẩm giày dép của Công ty Giày Viễn Thịnh phụ thuộc vào nhập khẩu thì nay doanh nghiệp đã làm chủ ở tất cả các công đoạn. Công nghệ mới đã giúp năng suất lao động của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất trung bình 20% cho mỗi sản phẩm, nhờ vậy đã đảm bảo sức cạnh tranh, ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Ông Trần Thế Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho biết, hiện chúng tôi có những máy giảm được 10 lao động trên 1 máy. Chúng tôi đầu tư hàng trăm máy sẽ giảm được hàng nghìn lao động trong quy trình sản xuất của nhà máy. Tất cả những cái đó giúp giảm được giá thành sản xuất, có được đơn hàng cho sản xuất ở các năm khó khăn như năm 2023 này và những năm sắp tới.
Đầu tư cho công nghệ là một trong những giải pháp của các doanh nghiệp da giày nhằm thích ứng với những thay đổi lớn trên thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép đã đạt 14,86 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu như năm 2022 được xem là năm khá thành công trong hoạt động xuất khẩu toàn ngành da giày (bao gồm cả giày dép và túi xách) khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành đứng gần cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2023 tình hình thị trường xấu đi nhiều, đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành ngay từ những tháng đầu năm.
Mặc dù các FTA thế hệ mới như EVFTA và UKVFTA, RCEP... đang góp phần hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu giày dép tại khu vực thị trường EU và thị trường Anh, Trung Quốc, ASEAN... nhưng khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, xuất khẩu giày dép năm 2023 rất khó có tăng trưởng.
Như vậy, con số 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 rõ ràng là bất khả thi trong bối cảnh này. Tại Hội nghị quốc tế xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2023 diễn ra hồi tháng 6, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trong 3 kịch bản vạch ra năm nay, ngành đang ở kịch bản trung bình, tức xuất khẩu trong quý III tiếp tục giảm dưới 10% và phục hồi lại vào quý IV. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm ngành da giày sẽ giảm khoảng 7,5% so với năm trước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu da giày còn đang phải đối diện với những đòi hỏi về xu thế phát triển bền vững của các thị trường. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho biết, để đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu như những tiêu chí về chất thải, điều kiện làm việc của người lao động, môi trường…
“Bài toán tuân thủ của doanh nghiệp đặt ra rất rõ ràng. Khi chuỗi cung ứng ngày càng minh bạch rõ ràng, việc truy xuất là yêu cầu doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được. Như vậy, yêu cầu phát triển bền vững không chỉ do chính sách của Chính phủ mà các nhãn hàng uy tín cũng yêu cầu. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”, bà Xuân chia sẻ.
Doanh nghiệp da giày nỗ lực đáp ứng yêu cầu
Trước những yêu cầu kể trên, giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp phải chuyển đổi số, từ đó giải quyết được bài toán chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại, minh bạch chuỗi cung ứng để doanh nghiệp tiếp cận được hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, giảm bớt nhân công.
Chủ động đầu tư công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của phía bạn hàng. |
Doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư cho con người. Nếu như có máy móc tốt mà không có nhân lực chất lượng cao thì cũng không đáp ứng được yêu cầu. Bởi không còn là 4.0, hiện nay, nhiều người đã bắt đầu đã nói nhiều về công nghệ 5.0, đó là công nghệ xanh digital ecosystem. Từ năm 2030 trở đi, những ứng dụng này sẽ ngày càng phổ biến và đúng với cam kết của Việt Nam với quốc tế khi ta tham gia Hội nghị COP 26. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi để theo kịp xu hướng.
Giải pháp thứ 2 là doanh nghiệp đang tập trung tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn. Có doanh nghiệp đầu tư để chủ động vấn đề phát triển nguyên liệu. Đây là giải pháp căn bản mà doanh nghiệp da giày đang tập trung thực hiện thời gian qua.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng chỉ rõ, câu chuyện phát triển bền vững là 1 trong những nhiệm vụ dài hơi không chỉ trong 5, 10 năm mà cả quá trình tiếp theo và tôi nghĩ rằng chúng ta cần giải pháp tổng thể xuyên suốt.
Đối với ngành dệt may, da giày, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may da giày. Trong chiến lược có nội dung thực thi là xây dựng chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày.
“Chúng tôi cho rằng cần xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể với chiến lược, trong đó nêu rõ nội dung mà thế giới và doanh nghiệp đang yêu cầu, đặt ra với doanh nghiệp, từ những giải pháp về thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn hóa các yêu cầu đối với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đó là giải pháp tổng thể căn bản giúp ngành dệt may da giày đi nhanh và xa hơn”, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị.
Ngoài ra, doanh nghiệp da giày cũng mong muốn Bộ Công thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tăng cường chia sẻ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, để doanh nghiệp thực sự giới thiệu được "cái thị trường cần, chứ không phải cái mình có". Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần được cung cấp thông tin về chính sách ở thị trường nhập khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến rào cản kĩ thuật, thủ tục hải quan... sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ... Từ đó chủ động hơn đối với việc sản xuất, xuất khẩu của mình.
Theo nhandan.vn