Người tiên phong phát triển kinh tế từ trồng hồng vành khuyên ở Văn Quan

Thứ 2, 27.11.2023 | 10:32:47
550 lượt xem

Đó là anh Hứa Viết Ngân, sinh năm 1992, thôn Khun Pầu, xã Điềm He, huyện Văn Quan. Anh là người tiên phong đưa giống hồng vành khuyên về trồng trên đất Văn Quan và phát triển mô hình trồng hồng vành khuyên đem lại hiệu quả kinh tế.

Anh Hứa Viết Ngân thu hoạch hồng

Anh Ngân sinh ra trong gia đình thuần nông, trước đây, anh chủ yếu trồng ngô, sắn thu nhập bấp bênh. Với ý chí, nghị lực vươn lên phát triển kinh tế, qua tìm hiểu nhận thấy huyện lân cận có mô hình hồng vành khuyên rất phát triển, anh đã suy nghĩ đưa giống cây này vào trồng.

Sau khi tự nghiên cứu và đi tham quan một số mô hình trồng hồng vành khuyện tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, năm 2015, anh đã dùng số tiền tích góp được để mua 200 cây giống về trồng thử nghiệm. Ban đầu, anh chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc và xử lý sâu bệnh nên cây hồng còi cọc, kém phát triển.

Nhớ lại thời điểm ấy, anh Ngân chia sẻ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi không nản chí và bỏ cuộc. Thay vào đó, tôi đã chủ động nghiên cứu trên sách, báo, mạng internet, đồng thời, tích cực sang một số mô hình hồng của người dân và hợp tác xã thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng để trao đổi và học tập kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây hồng. Sau quá trình vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế, tôi đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 3 năm, cây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Chất lượng quả ngon ngọt, thương lái vào tận vườn thu mua.

Nhận thấy những tín hiệu tích cực từ trồng hồng vành khuyên trên mảnh đất quê nhà, năm 2017, anh Ngân tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồng vành khuyên, đến nay đã có 1.000 cây. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng, anh đã áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Ngân cho biết: Trồng hồng VietGAP, tôi tuân thủ quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo quản và có sổ ghi chép nhật ký chăm sóc hằng ngày. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt mà mẫu mã, chất lượng quả tốt hơn.

Từ thành công của gia đình anh Ngân, năm 2022, chính quyền xã Điềm He đã lựa chọn vườn hồng của anh để hỗ trợ xây dựng thành vườn mẫu phát triển kinh tế ở xã. Anh Ngân cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình của mình nên đến nay, toàn xã có khoảng 50 hộ trồng hồng vành khuyên với tổng diện tích hơn 30 ha.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Ngân còn quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho quả hồng vành khuyên của mình. Sau các bước triển khai, thực hiện, tháng 11/2023, sản phẩm hồng vành khuyên của anh đã được UBND huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Qua đó, tạo thương hiệu, mở rộng thị trường, góp phần vào sự đa dạng sản phẩm đặc trưng của huyện.

Nhờ sự cần cù và chịu khó, đến nay, trong số 1.000 cây hồng thì anh Ngân có 800 cây cho thu hoạch, trung bình mỗi niên vụ đạt hơn 13 tấn, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Mô hình của anh còn tạo việc làm cho 3 – 5 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Quan cho biết: Anh Hứa Viết Ngân là hội viên nông dân năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế ở huyện với mô hình trồng hồng vành khuyên. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới nhưng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở huyện và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tuyên truyền cho các hội nông dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn để nhân rộng mô hình trồng hồng vành khuyên, tạo thu nhập ổn định hơn nữa cho nông dân, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở huyện.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/626998-nguoi-tien-phong-phat-trien-kinh-te-tu-trong-hong-vanh-khuyen-o-van-quan.html 

  • Từ khóa