Trong những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, bên cạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, từng bước phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Ocean Line, huyện Cao Lộc kiểm tra chất lượng sản phẩm tinh dầu sở
Với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là 617.973,34 ha, chiếm 74,36% diện tích tự nhiên, Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất lâm nghiệp. Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá sản xuất lâm nghiệp… Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng thông ở các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc; vùng keo, bạch đàn ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập; vùng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng; vùng quế tại Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi chưa rõ nét, thị trường tiêu thụ chưa ổn định ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.
Trước thực tế đó, ngày 7/2/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030 và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp. Trong đó, thiết lập chuỗi liên kết giữa trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng.
Để thực hiện hiệu quả, các cấp, ngành chức năng liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, các cấp, ngành chức năng đã tổ chức 319 hội nghị, hơn 5.900 cuộc tuyên truyền lồng ghép và phát trên 7.000 cuốn tài liệu về bảo vệ và phát triển rừng trong đó có nội dung xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách mới, thay đổi tập quán, phương thức sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung như: vùng keo (trên 53.994 ha), vùng bạch đàn (hơn 27.379 ha), vùng thông (139.571 ha), vùng hồi (trên 43.401 ha)…
Song song với đó, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Đơn cử tại huyện Chi Lăng, ngày 10/8/2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 2/6/2021 về xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực thông tin tuyên truyền sự cần thiết và những lợi ích về liên doanh, liên kết trong công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp trong năm 2022 là 20,09%/năm (tăng 13,16% so với năm 2019), giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 3.447 tỷ đồng (năm 2019) lên hơn 4.163 tỷ đồng (năm 2022). |
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện hình thành 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hồi của Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn và Công ty Cổ phần HAGIMEX với người dân trên địa bàn huyện. Theo đó, các công ty thực hiện hỗ trợ chuyển giao quy trình sản xuất hồi cho người dân và thu mua sản phẩm hồi tại 5 xã với diện tích trên 356 ha, trung bình mỗi năm, tiêu thụ khoảng 3.000 tấn hồi tươi/năm.
Không chỉ Chi Lăng, việc xây dựng chuỗi giá trị liên kết, sản xuất tiêu thụ lĩnh vực lâm nghiệp được các huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện như: Tràng Định, Văn Lãng, Hữu Lũng… Theo đó, UBND các huyện đã đẩy mạnh công tác trồng rừng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có lợi thế để đưa vào xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất; thu hút, kết nối doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người dân…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Liên MC, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của ngành chức năng, năm 2016, công ty thành lập và đầu tư phát triển trồng, chế biến hạt mắc ca, kết nối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh và liên kết với các siêu thị, đại lý, cơ sở bán lẻ để tiêu thụ. Theo đó, trung mỗi năm, công ty thu mua từ 30 – 40 tấn quả tươi và chế biến từ 20 – 50 tấn hạt mắc ca thành phẩm. Sản phẩm được công ty liên kết với các đại lý, siêu thị nên ổn định được đầu ra, góp phần tạo doanh thu ổn định đạt từ 4 – 6 tỷ đồng/năm.
Nhờ những giải pháp của các cấp, ngành, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 12 chuỗi liên kết, tiêu thụ trong lĩnh vực lâm nghiệp (vượt 7 chuỗi so với mục tiêu so với đề án đề ra).
Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp trong năm 2022 là 20,09%/năm (tăng 13,16% so với năm 2019), giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 3.447 tỷ đồng (năm 2019) lên hơn 4.163 tỷ đồng (năm 2022).
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển. Trong thời gian tới, chi cục tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm chủ động tham mưu UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo baolangson.vn