Ước mơ có được cây cầu kiên cố bắc qua con suối mỗi khi bước vào mùa mưa lũ là niềm mong ước của người dân thôn Bản Lăm, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng. Nhờ có sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự chung tay đóng góp của người dân và các nhà hảo tâm, cây cầu dân sinh tại xóm Vằng Hy, thôn Bản Lăm đã được bàn giao, đưa vào sử dụng.
Người dân thôn Bản Lăm, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng đi lại thuận tiện trên cầu dân sinh mới đưa vào sử dụng
Những ngày cuối tháng 11/2023, chúng tôi có dịp đến thôn Bản Lăm, xã Liên Sơn. Dẫn chúng tôi đi trên chiếc cầu mới xây dựng, ông Lăng Ngọc Xuân, 72 tuổi, trú tại xóm Vằng Hy, thôn Bản Lăm chia sẻ: Trước đây để người lớn đi làm, trẻ con đi học, chúng tôi phải dựng cầu tạm bằng tre bắc qua suối. Tuy nhiên, chiếc cầu tạm bợ không thể chịu đủ trọng lượng của xe máy và xe đạp nên chúng tôi thường để xe cạnh đường, rồi đi bộ qua cầu. Vào mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết cuốn trôi cầu tạm, bởi vậy, cứ vài tháng người dân nơi đây phải làm lại cầu tạm khác. Chính vì việc đi lại khó khăn nên nông sản của bà con thường xuyên bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm trước, giờ đây thôn đã có cây cầu kiên cố hơn, ai nấy đều rất phấn khởi.
Từ khi có cầu mới, trẻ em thôn Bản Lăm cũng đến trường thuận lợi hơn, các em không phải nghỉ học mỗi khi mưa lũ. Ông Phạm Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Liên Sơn chia sẻ: Toàn trường hiện có trên 140 học sinh, trong đó có khoảng 30 em sinh sống tại thôn Bản Lăm phải đi qua cầu. Khi chưa có cầu, mỗi khi mưa lớn, các phụ huynh hầu như đều phải cho con em nghỉ học, một số ít phải đi bằng đường đồi vô cùng khó khăn, đến lớp ai cũng lấm lem bùn đất.
Hiện thôn Bản Lăm có 82 hộ với hơn 250 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%, người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông, lâm nghiệp. Tại các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền cùng cơ quan chức năng quan tâm đầu tư xây dựng cây cầu dân sinh. Tháng 3/2023, thôn được hỗ trợ và khởi công xây dựng cây cầu theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trong thôn rất phấn khởi và đồng thuận để xây dựng cầu. Đến đầu tháng 11/2023, công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân trong thôn.
Cầu có chiều dài 6m, rộng 3,7m, gồm 1 nhịp cầu, 2 mố trụ, 2 đường dẫn lên xuống dài hơn 46m, kè chắn dài 14m và bó bờ kè chống xói lở hơn 18m2 với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, trong đó, Cụm đoàn Nam Đuống (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) hỗ trợ 30 triệu đồng; UBND huyện Chi Lăng hỗ trợ 26,6 tấn xi măng, tương đương 50,5 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại là người dân đối ứng.
Ông Vi Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết: Liên Sơn là xã vùng ba còn nhiều khó khăn của huyện Chi Lăng. Xã có 186 hộ và trên 800 nhân khẩu sinh sống tại 3 thôn. Các thôn đều có địa hình đồi núi khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều con suối. Hiện nay, trên địa bàn xã còn khoảng 4 cây cầu dân sinh nữa cần được xây dựng. Cầu dân sinh tại xóm Vằng Hy, thôn Bản Lăm là cây cầu thứ 2 được xây dựng ở xã. Cây cầu này được hoàn thành không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn góp phần tạo động lực để người dân vươn lên tiềm năng, phát huy nội lực về đất rừng phát triển kinh tế.
Thời gian tới, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền xã sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng cầu dân sinh tại các thôn còn lại để người dân di chuyển thuận tiện hơn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật; sử dụng các loại máy móc tiên tiến vào sản xuất để nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn…
Rời thôn Bản Lăm khi trời nhá nhem tối, hình ảnh đám trẻ con vui đùa trò chuyện khi tan học, những người nông dân tất bật chở hàng hóa đi qua chiếc cầu mới đã đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Tin tưởng rằng, cây cầu bê tông vững chãi sẽ góp phần giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/627592-lien-son-cay-cau-noi-nhip-bo-vui.html