Tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời điểm cuối năm

Thứ 6, 08.12.2023 | 08:42:33
766 lượt xem

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát sinh trên diện rộng sẽ rất cao. Nguyên nhân là do thời điểm này thời tiết lạnh, xuất hiện mưa phùn, không khí ẩm khiến vi-rút dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan. Cùng đó, một số hộ chăn nuôi chưa chú trọng đến thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Cán bộ thú y phun khử trùng khu vực chuồng chăn nuôi lợn tại xã Điềm He, huyện Văn Quan

Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 6/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 83 ổ bệnh DTLCP tại 612 hộ thuộc 175 thôncủa 65 xã trên địa bàn 9 huyện. Tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 2.405 con. Mặc dù diễn biễn không phức tạp như thời điểm từ tháng 5/2023 đến tháng 9/2023, nhưng theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện một số ổ bệnh DTLCP mới.

Vẫn phát sinh ổ bệnh mới

Tính đến ngày 20/11, Chi Lăng cùng với Đình Lập là 2 huyện trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ bệnh DTLCP. Tuy vậy, đến 21/11, ổ bệnh DTLCP đầu tiên trên địa bàn huyện Chi Lăng đã xuất hiện tại thôn Nà Phước, xã Vân An. Nguyên nhân là do người dân mua lợn giống mang mầm bệnh về nhập đàn cũ làm lây lan bệnh. Từ 21/11 đến nay, 9 hộ chăn nuôi lợn tại 3 thôn trên địa bàn xã Vân An đã buộc phải tiêu hủy lợn do bị nhiễm bệnh DTLCP (tổng số lợn tiêu hủy là 50 con). Không chỉ ở Vân An, tại xã Vân Thủy (Chi Lăng) cũng phát sinh ổ bệnh mới vào ngày 1/12/2023.

Ngoài huyện Chi Lăng, một số ổ bệnh DLLCP vẫn tiếp tục phát sinh tại một số huyện đã có ổ bệnh cũ như: Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng… Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chỉ tính từ ngày 15/11 đến ngày 6/12 đã xuất hiện 7 ổ bệnh DTLCP mới tại 4 huyện (Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng và Chi Lăng). Tổng số lợn phải tiêu hủy là 109 con. Trong đó, huyện Tràng Định và Lộc Bình phát sinh ổ bệnh DTLCP từ tháng 7/2023 đến nay và số lợn buộc phải tiêu hủy tại 2 huyện này cũng nhiều nhất so với các huyện khác (tính đến 6/12/2023, Tràng Định tiêu hủy 1.139 con lợn; Lộc Bình tiêu hủy 739 con lợn).

Tính từ 1/1/2023 đến hết ngày 6/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 83 ổ bệnh DTLCP tại 612 hộ/175 thôn/65 xã/9 huyện. Tổng số lợn bị chết và buộc phải tiêu hủy là 2.405 con.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm này thời tiết lạnh, cùng với việc người chăn nuôi không thực hiện nghiêm các quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời mua lợn giống về tái đàn không kiểm soát…  dẫn đến nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan.

Quyết liệt các biện pháp

Chia sẻ về biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh trên địa bàn huyện Chi Lăng, ông Nguyễn Văn Châm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay khi phát sinh ổ bệnh DTLCP trên địa bàn, trung tâm đã chủ động tham mưu UBND huyện và phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã có dịch bệnh triển khai khoanh vùng, lấy mẫu kiểm tra, tổ chức thực hiện tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định. Đồng thời, cung ứng hơn 500 lít hóa chất để cùng với chính quyền các xã đã xuất hiện ổ bệnh cũng như các xã chưa có ổ bệnh thực hiện phun khử trùng chuồng trại, phun khử trùng khoanh vùng; tuyên truyền để bà con mua và thực hiện dải vôi bột khu vực chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn;…

Còn tại huyện Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, UBND 3 huyện này đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và chính quyền các xã trên địa bàn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để khống chế các ổ bệnh DTLCP hiện có, đồng thời, thực hiện phòng, chống không để ổ bệnh mới phát sinh. Theo đó, hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 3 huyện này đang tiếp tục cấp phát hóa chất cho các xã, thị trấn thực hiện phun định kỳ 2 lần/tuần khu vực chuồng trại. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua hóa chất tự phun bổ sung ít nhất 1 lần/tuần.

Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Hiện UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền các xã, thị trấn triển khai tập trung tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thực hiện cấp phát hóa chất đến các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để thực hiện phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Song song với đó, sở cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền cơ sở kiểm soát chặt chẽ về công tác thú y, trong đó chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở bám sát địa bàn quản lý, tiếp tục thực hiện tiêm phòng các loại bệnh cho đàn lợn kết hợp với tuyên truyền, hỗ trợ người chăn nuôi mua vắc-xin DTLCP về tiêm phòng.

Với nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, hy vọng thời điểm cuối năm bệnh DTLCP sẽ được khống chế hoàn toàn, qua đó góp phần giúp hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đảm bảo nguồn cung thịt lợn tại địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

 https://baolangson.vn/kinh-te/629274-tap-trung-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-thoi-diem-cuoi-nam.html

  • Từ khóa