Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế vừa là thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương - Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận định, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc xếp thứ hai; chỉ sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn là nước nhập siêu của Trung Quốc.
Dân số Trung Quốc gấp hơn 14 lần dân số Việt Nam, có chung đường biên giới, cả trên bộ và trên biển và thậm chí là đường hàng không với Việt Nam, có truyền thống văn hóa, có tập quán tiêu dùng và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam từ nhiều thế kỷ.
Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)… Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 1 trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá: "Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam".
Thị trường xuất khẩu duy nhất tăng trưởng dương
Bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau 11 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
"Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm", báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng của năm 2023.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.
Nỗ lực xúc tiến thương mại
Nhìn vào những con số trên, thật khó tưởng tượng cách đây hơn mười năm, quy mô hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước chỉ ở mức 20 tỷ USD, bằng 1/8 con số hiện tại. Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh. Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc.
Gần đây nhất, cuối tháng 11/2023, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc” nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Đồng thời triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn.
Do đó, doanh nghiệp hai bên cần tận dụng và nắm bắt các cơ hội để tăng cường hợp tác, khai thác hiệu quả tính bổ sung lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh doanh ổn định và bền vững, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Nhận định của ông Hoàng Minh Chiến xuất phát từ thực tế hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, con số hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay cũng còn rất nhỏ so với hơn trăm tỷ USD mà nước này đầu tư ra nước ngoài hằng năm.
Để khơi thông dòng chảy hợp tác, đẩy mạnh đầu tư, điều cần làm là phải tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên. Sự gần gũi về mặt địa lý là một thuận lợi, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán kinh doanh là những rào cản đối với doanh nghiệp hai nước trong quá trình xây dựng quan hệ kinh doanh tin cậy và bền vững. Vượt qua được những rào cản này sẽ mang lại thành công cho mỗi doanh nghiệp cũng như sự thành công chung của hai quốc gia trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương.
“Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và địa phương tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và Hội chợ tại Trung quốc để kết nối giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam”, ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.
Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD - Ảnh minh họa
Nhu cầu mua nông sản trực tuyến rất cao
Đối với mặt hàng nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu về sản phẩm nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử là rất lớn nên Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã hỗ trợ cho các chủ thể, doanh nghiệp lên các mạng xã hội như Tik Tok Shop, Taobao… Đồng thời, nâng cao năng lực để họ có thể bán hàng livestream. Cùng với đó, khảo sát các hình thức thương mại điện tử thông qua kho ngoại quan.
Rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở các tỉnh phía sâu trong đất liền Trung Quốc đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của Việt Nam đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.
Trong xu thế đó, Cục Xúc tiến thương mại cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử là xu thế tất yếu và từng bước doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử không chỉ gói gọn tại Việt Nam mà còn xuyên biên giới.
Trung Quốc không còn là thị trường 'dễ tính'
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.
Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam.
Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như trái vải, thanh long, hạt điều... vào thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Tô Ngọc Sơn, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc do thói quen xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực thị trường sâu trong đại lục.
Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của phía Trung Quốc thì nông sản Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước khác trong khu vực. Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường từ phía người sản xuất và xuất khẩu nông sản mới có thể khai thác hiệu quả thị trường này.
“Trước hết, người sản xuất cần loại bỏ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính mà phải xác định đây là thị trường có tiêu chuẩn cao và kiểm soát khắt khe để sản xuất chuẩn chỉnh về chất lượng ngay từ đầu. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường tiếp cận vùng bởi Trung Quốc là thị trường vô cùng rộng lớn, mỗi vùng lại có nhu cầu và tập quán khác nhau trong khi hầu hết doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam chỉ mới khai thác các địa phương lân cận biên giới Việt-Trung mà chưa hiện diện nhiều ở các tỉnh, thành phố nằm sâu trong Đại lục”, ông Tô Ngọc Sơn khuyến nghị.
Theo baochinhphu.vn