Để hỗ trợ người dân bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế từ giống lúa bản địa, năm 2023, huyện Chi Lăng đã triển khai mô hình sản xuất lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Người dân xã Bằng Mạc kiểm tra chất lượng lúa thơm trồng theo tiểu chuẩn VietGAP sau khi thu hoạch
Nếp thơm là giống lúa bản địa của huyện Chi Lăng, thường được người dân gieo trồng vào vụ mùa hằng năm. Đây cũng là loại gạo nếp được rất nhiều người ưa chuộng, tìm mua vì có hương vị thơm ngon, độ dẻo cao. Tuy nhiên, trước đây, giống lúa này chủ yếu được bà con ở huyện trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình với diện tích nhỏ lẻ và được canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất chưa cao. Để góp phần bảo tồn giống lúa này và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã triển khai mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bằng Mạc với diện tích trên 16,7 ha.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, trong năm 2023, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO, chính quyền xã Bằng Mạc tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho gần 300 lượt người tham gia; tổ chức 8 buổi hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho các hộ tham gia mô hình. Cùng đó, phòng đã hỗ trợ 70% chi phí vật tư phục vụ sản xuất; đồng thời, phối hợp với chính quyền xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký, thực hiện theo đúng quy trình chăm sóc.
Là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia mô hình, ông Hoàng Văn Nội, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc cho biết: Vụ mùa năm 2023, gia đình tôi tham gia mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3 sào. Trong quá trình trồng, tôi đã tuân thủ theo đúng quy trình chăm sóc được cán bộ chuyên môn hướng dẫn nên cây lúa phát triển rất tốt. Sau khi thu hoạch, tôi nhận thấy năng suất của giống lúa nếp thơm đạt khoảng 1,8 tạ thóc khô/sào, cao hơn từ 0,5 đến 1 tạ so với quy trình canh tác truyền thống mà gia đình tôi thường áp dụng. Bên cạnh đó, mẫu mã và chất lượng gạo cũng cao hơn, hạt gạo chắc mẩy, không bị lép và không mất đi hương thơm đặc trưng. Hiện nay, gia đình tôi đã bán được gần 1,2 tạ gạo nếp với giá từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg, thu về trên 3 triệu đồng. Với năng suất và giá bán cao như vậy, vụ mùa năm sau, gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích gieo cấy lên 5 sào.
Ông Hoàng Tiến Đoan, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Vào vụ mùa năm 2023, xã đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện triển khai mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 16,7 ha, có 135 hộ tham gia. Qua triển khai mô hình cho thấy, giống lúa nếp thơm được trồng theo quy trình VietGAP cho năng suất cao hơn từ 5 đến 10% so với cách chăm sóc truyền thống của người dân. Tháng 11/2023, sản phẩm lúa nếp thơm của xã đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Từ hiệu quả của mô hình, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP lên khoảng 100 ha.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, giống lúa nếp thơm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu sâu bệnh của giống lúa cũng tăng, giúp người dân tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc. Cụ thể, năng suất đạt gần 5 tấn thóc khô/ha, cao hơn từ 0,5 đến 1 tấn/ha, tương đương tăng từ 5 đến 10% so với quy trình canh tác truyền thống. Không chỉ vậy, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn và được bán ra thị trường với mức giá dao động từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg, cao hơn từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg so với các giống lúa nếp thơm được gieo cấy theo cách thông thường.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Để tiếp tục phát triển mô hình, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với chính quyền các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp để tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng, hướng đến xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện xong hồ sơ, thủ tục để xây dựng gạo nếp thơm của huyện thành sản phẩm OCOP trong năm 2023 và gửi tới Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện chờ chấm điểm theo các tiêu chí quy định.
Mô hình trồng lúa nếp thơm theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm mà còn giúp người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, từ đó, chú trọng hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân.
Theo baolangson.vn