Kinh tế Việt Nam cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng

Thứ 2, 15.01.2024 | 15:27:49
430 lượt xem

Năm 2024, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 15/1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM điểm lại bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023 và đưa ra những dự báo, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Năm 2024, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh chỉ ra một trong những vấn đề cần ưu tiên đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2024 là nâng cao năng suất lao động.

Về vấn đề này, Báo cáo của CIEM đã chỉ ra năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhưng tốc độ tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra khi năng suất lao động năm 2023 chỉ tăng 3,65%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kế hoạch đề ra là 5-6%.

“Năng suất lao động là vấn đề cần giải quyết trong năm 2024 để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình”, ông Dennis Quennet nói.

Thay mặt Nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết kinh tế Việt Nam đã thể hiện đà phục hồi tăng trưởng khá rõ nét trong nửa cuối năm 2023.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.

Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023. Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). CPI bình quân tăng 2,89% trong quý III/2023 và 3,54% trong quý IV/2023. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2023 đạt 4,16%, cao hơn so với năm 2022 (2,59%) và cao hơn mức lạm phát chung.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn, nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023 đã giúp duy trì tăng trưởng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ngang với mức tăng cùng kỳ 2022, qua đó tạo động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận với tổng vốn đăng ký đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm, và giữa các tháng trong năm.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, CIEM kiến nghị Chính phủ thực hiện 10 nhóm giải pháp chính, trong đó cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong thời gian tới. Bao gồm các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP.

“Thách thức lớn nhất là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP”, ông Nguyễn Anh Dương nói.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/kinh-te-viet-nam-cai-cach-de-tang-toc-phuc-hoi-tang-truong-post792107.html

  • Từ khóa