“Thời gian qua, xã Đình Lập đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển rừng bền vững, quản lý tài nguyên rừng được nâng lên rõ rệt, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.”
Đó là đánh giá của ông Nông Văn Huân, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập khi nhận xét về việc quản lý, phát triển rừng tại xã Đình Lập, huyện Đình Lập.
Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập khai thác nhựa thông.
Ông Sái Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: Xã Đình Lập có tổng diện tích tự nhiên trên 132 km với 1.062 hộ. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030 và Nghị quyết số 27-NQ/HU ngày 8/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2030, cấp ủy, chính quyền xã xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó, xã đã tổ chức kiện toàn lại Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã; kiện toàn các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR tại 16/16 thôn. Đồng thời, hằng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy phụ trách theo dõi diễn biến rừng của từng thôn.
Xác định tuyên truyền là yếu tố tiên quyết giúp người dân nâng cao hiểu biết và đồng lòng hưởng ứng việc quản lý, phát triển rừng nên từ năm 2020 đến nay, UBND xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền được 46 cuộc với 2.760 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu là: Luật Lâm nghiệp; Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và PCCCR…
Ông Sái Văn Đức, thôn Còn Áng, xã Đình Lập cho biết: Gia đình tôi có 10 ha thông và 2 ha keo. Trong đó, có hơn 3 ha thông (gần 20 năm tuổi) đã khai thác nhựa từ năm 2016 đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Trong 4 năm trở lại đây, nhờ tham gia các buổi tuyên truyền do xã phối hợp tổ chức, tôi và bà con hiểu rõ hơn lợi ích từ việc bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, gia đình tôi chỉ khai thác khi cây đạt độ tuổi và thường xuyên kiểm tra, thăm rừng, không hút thuốc khi vào đồi rừng, chủ động phát băng cản lửa, khi đốt cỏ tôi đợi ngọn lửa tắt hẳn thì mới trở về… Đồng thời, tôi còn tham gia tổ bảo vệ rừng, PCCCR của thôn để cùng các thành viên khác thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra đồi rừng của các hộ dân xung quanh. Vì vậy, nhiều năm qua, diện tích rừng của gia đình luôn phát triển tốt, không xảy ra cháy rừng.
Đi đôi với tuyên truyền, xã tiến hành quy hoạch, cắm mốc ranh giới các loại rừng ngoài thực địa. Hiện toàn xã có hơn 620 ha rừng phòng hộ (chủ yếu là rừng bảo vệ đầu nguồn) và 10.497,29 ha rừng sản xuất đều đã được cắm mốc ranh giới, quy hoạch theo đúng quy định. Cùng đó, xã thường xuyên quán triệt chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên môn và các tổ đội quần chúng thôn, bản phối hợp với kiểm lâm địa bàn nắm tình hình, tăng cường theo dõi nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hiện tượng chặt phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, xã đã phối hợp xử phạt vi phạm Luật Lâm nghiệp 14 vụ, nộp ngân sách nhà nước hơn 210 triệu đồng. Đây cũng là một trong những địa bàn có số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thấp nhất huyện.
Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác PCCCR, xã ban hành các văn bản chỉ đạo việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời xây dựng, phân công lịch trực PCCCR trong những tháng khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong năm. Thường xuyên phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật trong việc đốt nương rẫy, xử lý thực bì, hạn chế tối đa nguy cơ gây cháy rừng. Các thành viên trong Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR xã thường xuyên chủ động phối hợp kiểm lâm địa bàn cập nhập thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại “biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng” tại Hạt Kiểm lâm huyện hoặc trên website http://www.kiemlam.org.vn/. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Năm 2023, UBND xã tham gia diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng trên bàn xã do huyện tổ chức và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Song song với việc quản lý rừng, xã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn trồng các loại cây phù hợp để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng. Từ đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, đồ gia dụng trên địa bàn huyện. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, người dân trong xã đã trồng được trên 620 ha rừng sản xuất, chủ yếu là: thông, keo, lát, lim xanh, hồi… và khai thác lâm sản đạt trên 8.000 m3 gỗ rừng trồng, khai thác lâm sản ngoài gỗ được trên 5.800 tấn. Đây cũng là địa bàn trồng, khai thác lâm sản cao nhất trên toàn huyện.
Nhờ làm tốt các giải pháp trên nên các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp của xã cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như: từ năm 2020 đến hết năm 2023, toàn xã trồng rừng được 515 ha, đạt 171,6% kế hoạch đề ra; khai thác gỗ được trên 13.300 ha, đạt 103,9%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 76,9%, vượt 1% so với kế hoạch đề ra… Tháng 11/2023, xã Đình Lập được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/kinh-te/638121-xa-dinh-lap-diem-sang-ve-quan-ly-va-phat-trien-rung.html