Shipper liên tục hủy đơn, có người xin trả phí 50.000 đồng để... được hủy

Thứ 5, 08.02.2024 | 09:05:32
547 lượt xem

Gần Tết, lượng shipper giảm đi đáng kể vì một nhóm người đã về quê ăn Tết. Số khác từ chối nhận cuốc bởi lo ngại tắc đường, hỏng xe và các rủi ro khi di chuyển trong những ngày này.

Chiều 27 Tết, Hải Phương (Hà Nội) vẫn tất bật đặt shipper giao nốt số quà tặng đối tác. Phương nói những ngày này, Hà Nội tắc đường, các điểm cách xa nhau nên cô buộc phải tìm shipper đi biếu quà Tết.

Tuy nhiên, sau khi quay cuồng cả buổi chiều, Phương chỉ gửi thành công 3 đơn hàng. 7 đơn còn lại liên tục bị hủy chuyến không lý do.

Hải Phương nói cô sử dụng tất cả ứng dụng giao hàng hiện có gồm XanhSM, Grab, Be, Ahamove nhưng đa số shipper đều nhận cuốc xong hủy hoặc không có ai nhận cuốc.

Một vài người khác vì không muốn tự bấm hủy cuốc nên đã gọi điện nhờ cô bấm hủy giúp. Bởi nếu tài xế chủ động bấm hủy, điểm số của tài xế này trên ứng dụng sẽ giảm. Do vậy, các tài xế chủ yếu muốn nhờ khách hủy hộ. Đỉnh điểm, có tài xế còn nhờ Hải Phương hủy chuyến và hứa sẽ trả thù lao 50.000 đồng. 

Chủ shop online than thở trên mạng xã hội về việc shipper liên tục hủy đơn (Ảnh: P.Phương).

Hải Phương khá bất ngờ khi shipper nhờ cô hủy chuyến và còn trả thêm tiền, chứng tỏ người này không muốn chạy cuốc vào những sát Tết, chủ yếu nhận chuyến để duy trì điểm số trên ứng dụng.

Tình hình trên không chỉ xảy ra với những đơn giao hàng. Với những cuốc xe đón, chở khách, khách cũng liên tục gặp tình trạng shipper bấm hủy chuyến. Dù mới chỉ 27 Tết, Minh Trang (Hà Nội) đã không thể tìm được tài xế đưa cô về nhà sau khi kết thúc bữa tiệc tất niên vào lúc 23h.

Gá cuốc xe đã tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Với cuốc xe 3km, mức giá trên ứng dụng Grabbike là 28.000 đồng, Be bike có giá 26.000 đồng, XanhSM bike là 31.000 đồng. Trang nói cô sẵn sàng gửi thêm tiền cho tài xế nhưng vẫn không tìm được người nhận cuốc. Sau 30 phút chờ đợi, cô đã gọi người nhà đến đón. 

Trong những ngày cận Tết, các ứng dụng như Grab, Be thường hiện mũi tên chỉ lên khi cuốc xe có mức giá tăng cao. Khi bấm vào biểu tượng mũi tên, khách hàng sẽ nhận được lý do ngắn gọn là mức phí tăng do "tình trạng giao thông" hoặc "các vấn đề về thời tiết".

Ngoài ra, tại trang chủ, các đơn vị này không cung cấp bảng giá cụ thể hay các mức tăng giá được áp dụng cho dịp lễ Tết.

Những người dùng như Minh Trang đều ngầm hiểu rằng việc tăng giá trong ngày Tết là điều hiển nhiên. Họ chấp nhận việc bị tăng giá, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt shipper khiến các nhu cầu vận chuyển, giao hàng gặp nhiều khó khăn. 

Số lượng người làm dịch vụ vận chuyển những ngày này khá ít ỏi (Ảnh minh họa: Bảo Anh).

Tuấn Anh - chủ cửa hàng thời trang nam ở Hà Nội - than thở tình trạng ít shipper vào những ngày sát Tết đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu cửa hàng. Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các cửa hàng cũng muốn khuyến mại để đẩy hàng, thu hồi vốn. Tuy nhiên, người bán và người mua khá "xa xôi cách trở" bởi không tìm được shipper.

Tuấn Anh nêu ngày thường, anh có "shipper ruột" chuyên chạy các đơn hàng cho shop. Tuy nhiên, người này đã xin nghỉ để về quê ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp. Từ đó đến nay, Tuấn Anh đành linh động tìm shipper trên các ứng dụng dù phí ship rất cao nhưng vẫn không tìm được ship.

Cận Tết, khách hàng thường yêu cầu ship nội thành nhận được trong ngày, thậm chí phải nhận được sau 3-4 giờ đặt hàng. Vì thế, việc khó tìm shipper gây ảnh hưởng không nhỏ bởi nếu phải đợi lâu, khách hàng sẽ hủy đơn.

Trên các hội nhóm của shipper, đa phần cho biết họ sẽ nghỉ Tết từ ngày 26, 27 Tết. Lý do đưa ra là bởi những ngày gần Tết, Hà Nội tắc đường từ sáng đến khuya. Do đó, việc di chuyển tốn rất nhiều thời gian và tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến hỏng xe, vi phạm luật giao thông. 

Shipper cho rằng phần giá tăng lên không đủ để bù vào các khoản mất mát có thể xảy ra. Bên cạnh đó, vì thời gian di chuyển lâu nên thay vì chạy được 10 đơn trong một buổi sáng, shipper chỉ có thể chạy được 5 đơn, nên "tính ra bằng hòa".

Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố, nhiều shipper quyết định nghỉ Tết sớm. Ngoài ra, một bộ phận shipper là học sinh, sinh viên. Nhóm này thường về quê ăn Tết khá sớm (khoảng 15 tháng Chạp) nên lượng shipper bị giảm đi đáng kể.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/shipper-lien-tuc-huy-don-co-nguoi-xin-tra-phi-50000-dong-de-duoc-huy-20240207003503546.htm

  • Từ khóa