Giá xăng, dầu tăng mạnh trong tháng 4, đáng chú ý là giá vận tải hành khách bằng đường hàng không lên rất cao có ảnh hưởng đáng kể đến CPI.
Xăng dầu tác động mạnh; giá điện sinh hoạt tháng 4 chưa được phản ánh
Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4 cho thấy, nhóm giao thông là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất với mức tăng 1,95%, qua đó làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,19 điểm phần trăm.
Nguyên nhân là với ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào tháng 4, giá xăng trong nước đã tăng 4,78%; giá dầu diesel tăng 2,01%. Đáng chú ý, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng rất mạnh tới 10,42% trong khi giá vận tải đường thủy chỉ tăng 0,06%; đường bộ tăng 0,13%; xe buýt tăng 0,21% và taxi tăng 0,56%.
Chi phí giáo dục, lương thực, thực phẩm, viễn thông đi xuống giúp kìm giữ CPI (Nguồn: TCTK).
Theo đánh giá của cơ quan thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng gay gắt góp phần đẩy giá điện sinh hoạt tăng 0,27%, theo đó, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,21%.
Lưu ý rằng, chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 4 phản ánh biến động trễ 1 tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 3.
Giá lương thực, thực phẩm giảm
Bên cạnh nhóm giao thông thì chỉ số giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng khá mạnh, tăng 0,92%. Nguyên nhân là, những tuần qua, thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.
Trong đó, giá nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc chống dị ứng và các trường hợp quá mẫn cảm tăng 0,13%; nhóm thuốc tim mạch và một số mặt hàng khác tăng 0,07%.
Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ của rổ tính CPI, có đến 8 nhóm tăng giá, 3 nhóm giảm. Ngoài những nhóm hàng hóa dịch vụ đã nêu trên, một số nhóm có chỉ số giá tăng là may mặc, mũ nón và giày dép (tăng 0,12%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,11%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,09%); văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,03%).
Chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm là bưu chính, viễn thông (giảm 0,17%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,13%) và giáo dục (giảm 2,93%).
Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm mạnh góp phần giảm CPI chung 0,18%, trong đó, dịch vụ giáo dục giảm 3,32%. Nghị định số 97/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, theo đó, một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021.
Các địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 4 giảm so với tháng trước là Hà Nội (giảm 11,2%); Hòa Bình (giảm 22,56%); Quảng Ninh (giảm 6,64%); Nam Định (giảm 22,42%); Ninh Thuận (giảm 30,98%) và Long An (giảm 37,55%).
Khá bất ngờ là diễn biến giảm giá tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Trong đó, lương thực giảm 0,63% ; thực phẩm giảm 0,18% ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%.
Theo dantri.com.vn