Thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) triển khai sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen khi kinh tế thế giới phục hồi chậm. Giá dầu ở mức cao đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro,… Dù vậy, công tác quản trị biến động thực hiện tốt đã giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tại tỉnh Hậu Giang.
Trong quý I/2024, mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của PVN giảm từ 2% đến 16% nhưng các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức từ 33-56% kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Kết quả tích cực
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho biết, ba tháng đầu năm, đơn vị phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trước biến động của thị trường và nhu cầu suy giảm nhưng với sự linh hoạt triển khai các giải pháp, đơn vị đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra với doanh thu hơn 3.169 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, giảm 18%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 202 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, giảm 24% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác tái cấu trúc, các giải pháp về quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; tăng cường đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực cốt lõi phù hợp với nhu cầu thị trường,... “Với những thành công đạt được trong năm 2023, hiện tại PTSC đã có back-log (đơn hàng tồn đọng) bảo đảm công ăn việc làm đến năm 2027 và hiện đang tiếp tục đấu thầu, tìm kiếm việc làm cho giai đoạn 2027-2029. Những năm qua, đơn vị đã mạnh mẽ đầu tư cho năng lượng tái tạo ngoài khơi để nâng cao năng suất và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp lại cơ sở hạ tầng, đầu tư mới trang thiết bị,… nhằm nâng cao năng lực, tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này” - ông Lê Mạnh Cường khẳng định.
Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Đoàn Văn Nhuộm thông tin: Quý I, sản lượng kinh doanh xăng dầu của đơn vị đạt gần 1,4 triệu m3/tấn, tăng 22%; doanh thu đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), quý I/2024, doanh thu của đơn vị đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 35%; lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của các giàn khoan đơn vị đang sở hữu, hoạt động toàn thời gian trong suốt ba tháng qua với đơn giá cho thuê giàn khoan tăng khoảng 34% so với cùng kỳ. Hiện tất cả các giàn khoan của doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ tại thị trường nước ngoài, đơn cử, giàn tự nâng PV DRILLING I, PV DRILLING III và PV DRILLING VI hoạt động tại Malaysia; giàn tự nâng PV DRILLING II cung cấp dịch vụ tại Indonesia,…
Tận dụng tốt các cơ hội
Đánh giá về tín hiệu thị trường thời gian tới, vị lãnh đạo của PV Drilling cho rằng, số lượng đơn khảo sát tìm giàn khoan cho năm nay và 2025 tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều liên tục tăng. Trong khi đó, số lượng các giàn khoan tự nâng trong khu vực khá hạn chế, ít giàn khoan đóng mới được đưa vào hoạt động.
Tình trạng này sẽ thúc đẩy hiệu suất sử dụng giàn khoan cũng như nâng đơn giá thuê giàn lên một mặt bằng mới cao hơn. Do vậy, đây là cơ hội lớn cho PV Drilling trong đầu tư hoặc hợp tác với các đối tác thuê thêm giàn khoan và các thiết bị cần thiết phục vụ các chương trình khoan của khách hàng.
Nhờ phát huy hiệu quả của các giải pháp quản trị, điều hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc PVN duy trì an toàn, ổn định.
Qua đó, đưa tổng sản lượng khai thác dầu thô trong ba tháng đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% kế hoạch; khai thác khác khí đạt 1,69 tỷ m3, vượt 32%; sản xuất đạm đạt 475,8 nghìn tấn, vượt 7%; sản xuất NPK đạt 77,3 nghìn tấn, vượt 59%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 1,61 triệu tấn, vượt 22,5% kế hoạch năm,…
Một số chỉ tiêu sản xuất thiết yếu như sản xuất xăng dầu tăng 9,8%; sản xuất điện tăng 17,5%; sản xuất đạm tăng 3,2%; sản xuất NPK tăng 41% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 231 nghìn tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch, tăng 19%; nộp ngân sách đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch, tăng 5%; giá trị thực hiện đầu tư toàn tập đoàn đạt 4,93 nghìn tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ.
Đánh giá về kết quả hoạt động của doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định: Bên cạnh thành quả đạt được, doanh nghiệp cần có giải pháp để duy trì sản lượng khai thác dầu khí, nhất là bảo đảm nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất và độ khả dụng cao của các nhà máy điện trong cao điểm mùa nắng nóng trong bối cảnh sản lượng khai thác khí trong nước đang suy giảm mạnh; quản trị rủi ro chuỗi cung ứng của các nhà máy lọc hóa dầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực leo thang.
Đồng thời, đơn vị tiếp tục thúc đẩy công tác đầu tư, kiểm soát rủi ro về tỷ giá..., kiên quyết giữ mục tiêu theo kế hoạch của tập đoàn; tiếp tục củng cố, rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, quy định quản trị, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, quản trị đầu tư, nhất là các dự án lớn như Lô B, nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đầu tư ở khu vực dự kiến hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng như Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi,…
Chung quan điểm, Tổng Giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh, các đơn vị phải bám sát diễn biến thị trường, kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt, đánh giá tác động tình hình căng thẳng địa chính trị có nguy cơ ảnh hưởng đến cung ứng dầu thô cho các nhà máy lọc dầu thời gian tới, có biện pháp bảo đảm an ninh cung ứng dầu thô.
Khối khí, điện, đạm cần tối đa sản lượng khai thác, tiêu thụ khí để tăng doanh thu, nghiên cứu để vừa tăng sản lượng khai thác khí trong nước, vừa có phương án tăng lượng LNG nhập khẩu. Các đơn vị dịch vụ tận dụng cơ hội thuận lợi, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới cùng với triển khai đồng bộ các công việc trong chuỗi giá trị, hệ sinh thái của tập đoàn,…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thanh-cong-tu-quan-tri-bien-dong-post807305.html