Những năm qua, việc cung ứng vốn cho người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, bồi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu cho ngân sách đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên chú trọng. Qua đó góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên.
Năm vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên và tổ chức hội, đoàn thể các cấp tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Các chỉ tiêu hoạt động đều hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Đối với chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, đang thực hiện cho vay tại các xã khó khăn và các thôn bản đặc biệt khó khăn, mức cho vay được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với hộ gia đình thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn trên. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện phê duyệt cho vay theo quy định.
Người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên trực tiếp nhận nguồn vốn giải ngân ưu đãi ngay tại điểm giao dịch xã. Ảnh: THANH XUÂN |
Chia sẻ vấn đề nguồn vốn đáp ứng cho nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: “Những năm gần đây, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên luôn dành tỷ trọng trên 55% tổng dư nợ để cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tích cực hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đến hết ngày 31-12-2023, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên đạt 3.984 tỷ đồng, chiếm trên 56% tổng dư nợ, với tổng số 15.611 khách hàng”.
Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân khu vực nông thôn, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên thường xuyên tiếp xúc làm việc với chính quyền địa phương, các tổ chức tại cơ sở như: Hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ... làm việc trực tiếp với khách hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
Ngoài ra, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên còn triển khai ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng để đưa vốn và nhiều dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa; thực hiện giảm lãi suất cho vay theo quy định, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Những năm qua, nguồn vốn vay của Agribank đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào trên địa bàn tỉnh Điện Biên tạo sinh kế, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các xã, thôn bản có thêm nguồn lực, kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế, văn hóa, thay đổi diện mạo nông thôn.
Các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)... cũng cung cấp nhiều chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi tới người dân, Ngân hàng VietinBank chi nhánh Điện Biên đã đẩy mạnh tư vấn, truyền thông, giải thích và định hướng cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được tầm quan trọng về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng. Tại một số địa bàn xa như huyện Nậm Pồ, Mường Nhé... người dân luôn có tâm lý e ngại khi mở tài khoản ngân hàng vì thói quen sử dụng tiền mặt và sợ mất tiền trong tài khoản khi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Vì vậy, cán bộ Ngân hàng VietinBank dành nhiều thời gian để giải thích và hướng dẫn các phương thức bảo mật, như: Nhận diện khuôn mặt, vân tay, OTP... để bảo đảm an toàn trong việc sử dụng internet banking thông qua ứng dụng VietinBank iPay. Từ đó đã từng bước tạo thói quen tiêu dùng thông qua tài khoản cho người dân.
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Điển hình là việc hỗ trợ kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người dân ổn định đời sống sinh hoạt hằng ngày như: Ăn ở, đi lại, học hành...
Đặc biệt là người dân sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đều có cơ hội được tiếp cận vốn. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn, trật tự xã hội được duy trì, quốc phòng, an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao...
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/luc-day-phat-trien-tu-tin-dung-chinh-sach-778304