Tầm nhìn mới-tư duy mới phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Chủ nhật, 26.05.2024 | 15:04:53
529 lượt xem

Ngày 24/5, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn bản số 80-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Đồng thời, lưu ý nhấn mạnh một số nội dung.

Quy hoạch thủ đô phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Theo đó, Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” tạo ra “cơ hội mới-giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.

Kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”; xác định giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời, chú trọng xây dựng thể chế đồng bộ, quản trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long-Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô. Đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.

Giải pháp thực hiện quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô sửa đổi. Nghiên cứu dự báo, tính toán kỹ lưỡng vấn đề dân số, phù hợp với tốc độ đô thị hoá và phát triển của thủ đô trong từng giai đoạn.

Đối với hai đồ án Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị lưu ý các vấn đề: Sắp xếp, phân bổ không gian phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối vùng; Thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc, đồng thời nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai; Tiếp tục rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Sắp xếp, phân bổ không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa. Đặc biệt cần chú trọng nghiên cứu phát triển trục sông Hồng, “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô; Vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, quy hoạch khu xử lý rác thải, chất thải, đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; Có lộ trình và cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch, chuyển các trường đại học, trụ sở cơ quan, trụ sở doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô.

Tiếp tục rà soát hoàn thiện các giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch, nhất là giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng vành đai 4, vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất; Khai thác hiệu quả hơn nữa không gian trên cao và không gian ngầm, đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số...

Về tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và phê duyệt theo quy định. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, lãnh đạo việc tổ chức hoàn thiện để thực hiện việc cho ý kiến, trình phê duyệt các quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tích cực phối hợp với Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt kết luận này, bảo đảm phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, của toàn vùng và cả nước. 


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tam-nhin-moi-tu-duy-moi-phat-trien-thu-do-ha-noi-den-nam-2045-tam-nhin-den-nam-2065-post811152.html

  • Từ khóa