Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu 32 tỉnh, thành trong toàn quốc có hoạt động sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 10 năm trở lại đây, tổng năng lực sản xuất VLXD chủ lực của Việt Nam đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung... Tổng doanh thu hằng năm ngành VLXD Việt Nam (chưa bao gồm thép xây dựng) ước đạt khoảng 600 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 6% GDP quốc gia.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành VLXD Việt Nam gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút. Trong đó, đối với xi măng, trên toàn quốc có 92 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm. Từ năm 2023 đến nay, sản lượng sản xuất, tiêu thụ xi măng và clinker đều sụt giảm. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ chỉ được 87,8 triệu tấn, giảm 12% so với năm 2022; trong gần 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 44 triệu tấn, bằng cùng kỳ năm 2023.
Cùng đó, năm 2023, sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng gặp nhiều khó khăn do tác động của các yếu tố trong và ngoài nước. Cụ thể, sản xuất thép xây dựng được 10,655 triệu tấn (giảm 12,2% so với năm 2022); tiêu thụ đạt 10,905 triệu tấn (giảm 11,2% so với năm 2022). Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép xây dựng cả nước chỉ đạt 3,73 triệu tấn và sản lượng tiêu thụ đạt 3,756 triệu tấn.
Thời gian qua, giá nhiên liệu phục vụ sản xuất (than, điện) tăng khiến giá thành sản phẩm xi măng, thép xây dựng, VLXD tăng; thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm VLXD; giá thép thô tăng cao; các dự án xây dựng nhà ở chững lại; chi phí vận tải tăng;… Những nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD của Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành trung ương, các hiệp hội ngành sản xuất VLXD, đại diện các tổng công ty sản xuất VLXD; lãnh đạo một số địa phương… đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xi măng, thép xây dựng và VLXD trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong ngành xi măng, sắt thép và VLXD trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thiết lập lại quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch mới; đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các chương trình xây dựng hạ tầng, các dự án đầu tư công và tăng cường sử dụng xi măng, sắt thép của Việt Nam trong các dự án xây dựng…
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD chủ động ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh vào sản xuất các sản phẩm; chủ động thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất; tăng cường công tác dự báo tình hình về thị trường;…
Theo baolangson.vn