Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng hai bậc so với năm 2022.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: NIC |
Việt Nam cũng là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua và là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Đáng lưu ý, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Dấu ấn quan trọng trong năm 2023 là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia khánh thành cơ sở mới tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội), tạo cú huých cho sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Những kết quả này cho thấy nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp nhiều trở ngại, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong thực tế, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp.
Trong thực tiễn, khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là khi đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường...
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước, bao gồm các công nghệ mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý hiệu quả nguồn lực và thế mạnh của Việt Nam hoặc từng địa phương, từng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đang có những tác động tốt; tận dụng các cơ hội xây dựng quy hoạch phát triển để xây dựng các khu vực, trung tâm đổi mới sáng tạo; chọn những điểm nghẽn dễ làm, dễ sửa nhưng có tác động lớn trước, chú ý đến các cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo khu vực công; cần tháo gỡ nhanh các nút thắt về điều kiện kinh doanh, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi...
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sản xuất, kinh doanh, không chỉ cần nỗ lực tự thân của doanh nghiệp mà cần phải đổi mới từ chính những cơ quan quản lý trong việc ban hành chính sách. Vì xét cho cùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, cho nên cần “vừa làm, vừa chạy”, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/no-luc-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-post814652.html