Chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do châu chấu tre gây ra

Thứ 7, 22.06.2024 | 15:25:33
359 lượt xem

Từ giữa tháng 4 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và gây hại nghiêm trọng cho cây trồng nông, lâm nghiệp tại 11 tỉnh, đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Để hạn chế thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra, các địa phương không được chủ quan, lơ là, cần chủ động các biện pháp phòng tránh.

Châu chấu tre lưng vàng gây hại trên cây ngô. (Ảnh: THU TRANG)

Châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn, khi trưởng thành chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng, gây hại nghiêm trọng cho các loại cây trồng. Những năm gần đây, châu chấu tre lưng vàng đã gây hại cho cây trồng nông, lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Tính đến giữa tháng 6, châu chấu tre đã phát sinh và gây hại tại 11 trong số 16 tỉnh trung du và miền núi phía bắc với diện tích nhiễm 1.031 ha. Trong đó, Cao Bằng nhiễm 773 ha, Bắc Kạn 63 ha, Nghệ An 50 ha, Lạng Sơn 38,5 ha, Phú Thọ 38,2 ha, Tuyên Quang 21 ha, Thanh Hóa 20 ha, Sơn La 10 ha, Hòa Bình 7 ha...

Tại Cao Bằng, châu chấu non đã phân tán ra diện rộng trên cây vầu, ngô, lúa, thuốc lá, cỏ dại. Các diện tích có châu chấu phân bố ở các huyện như Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng...

Ở nước ta, châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận xuất hiện và gây hại lần đầu trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại bốn tỉnh trung du miền núi phía bắc (Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ); các năm tiếp theo từ 2009-2015, châu chấu tre lưng vàng tiếp tục phát sinh, gây hại cục bộ chủ yếu trên cây lâm nghiệp như tre, trúc, luồng, vầu,… tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh: Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Kạn và Cao Bằng.

Từ năm 2016-2018, châu chấu tre lưng vàng đã bùng phát gây hại trên diện tích gần 4.000 ha mỗi năm trên cây trồng lâm nghiệp như tre, trúc, luồng, vầu và một số cây nông nghiệp như lúa nương, ngô.

Đến năm 2019, châu chấu tre lưng vàng tiếp tục phát sinh và gây hại nhưng diện tích giảm còn 1.773 ha.

Từ năm 2020-2023, châu chấu tre lưng vàng chỉ phát sinh trên diện tích 300-1.000 ha.

Hiện nay, phần lớn châu chấu non chưa có cánh cho nên việc phòng trừ sẽ thuận lợi và hiệu quả, trong khoảng 10 ngày tới châu chấu non hóa trưởng thành có cánh sẽ bay thành đàn, di chuyển nhanh rất khó phòng trừ. Nếu không phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời nhiều cây trồng có nguy cơ bị gây hại nghiêm trọng.

Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) Bùi Xuân Phong cho biết, khu vực xuất hiện châu chấu chủ yếu trên rừng tre, nứa, luồng, mét, cỏ dại có địa hình đồi núi cao, dốc, cách xa nguồn nước, rừng rậm nhiều tầng tán, do đó việc phát hiện, theo dõi hướng di chuyển, tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật gặp khó khăn, mới chỉ tập trung phun tại khu vực rừng có bãi tán thấp, bìa rừng, lối mòn.

Nhiều diện tích châu chấu trên bãi cỏ dại không có chủ sở hữu cho nên người dân không phun trừ, từ đó châu chấu phát tán gây hại. Thêm nữa, do máy phun thuốc không thể phun tầm cao tới các tán rừng hơn 8m, khu vực lan tỏa thuốc của vòi phun còn hạn chế (3-5m), vì thế nhiều diện tích không phun được; thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả trong ngày hạn chế, chỉ phun khi châu chấu ít hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Một số đơn vị cấp xã đã huy động lực lượng phun thuốc nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện còn lúng túng.

Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, xã và các cơ quan, đơn vị chuyên môn điều tra phát hiện sớm các ổ châu chấu trên địa bàn và tổ chức phun trừ ngay khi châu chấu còn non; theo dõi chặt chẽ tình hình châu chấu tre (thời gian phát sinh, phạm vi gây hại, hướng di chuyển, các điểm châu chấu co cụm,...), chủ động tổ chức phòng trừ, không để bùng phát trên diện rộng. Các địa phương, nhất là các huyện, xã nơi châu chấu tre thường xuyên xuất hiện, cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, dự trù nguồn ngân sách, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, nhân lực, sẵn sàng cho công tác phòng trừ châu chấu tre.

Cơ quan truyền thông địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn để thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng và người dân kiểm tra sự xuất hiện của châu chấu tre và chủ động thực hiện các biện pháp xử lý châu chấu kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc hóa học tràn lan gây lãng phí thuốc và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đồn biên phòng các khu vực giáp biên giới phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện trong công tác trao đổi thông tin về tình hình châu chấu tre tại các vùng giáp biên. Cùng với đó, tổ chức tập huấn về cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng cho các hộ nông dân.

Đối với các địa phương chưa phát hiện có châu chấu tre lưng vàng cần tăng cường tổ chức điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phương án phòng chống, kịp thời ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chu-dong-phong-chong-han-che-thiet-hai-do-chau-chau-tre-gay-ra-post815583.html

  • Từ khóa