Ngày 21/2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hệ thống công nghiệp chế biến nông sản nước ta với công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã được hình thành. Công nghệ đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như: chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra.… Tuy vậy có tới 70% cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn từ 10 – 20%. Về cơ giới hóa nông nghiệp, mức độ cơ giới hoá trong một số khâu còn thấp, chưa toàn diện; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản…
Đối với Lạng Sơn, công nghiệp chế biến nông sản còn nhỏ lẻ như: sản xuất cao khô, bún khô, chè khô, phở tươi, bún tươi, bánh trung thu… Đối với cơ giới hóa nông nghiệp, các loại máy móc dùng cho sản xuất nông, lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là loại máy có công suất nhỏ, tháo lắp dễ để đáp ứng được yêu cầu trong di chuyển.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung như: đề xuất cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; xu hướng phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các bộ, ngành cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, vận dụng phù hợp tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến. Về cơ chế, chính sách, Bộ NN&PTNT chủ trì, soạn thảo và trình Thủ tướng Chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, Nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp… Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng các doanh nghiệp, cơ quan liên quan cần quan tâm hơn vai trò của thị trường nội địa. Trong đó chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu và áp dụng sâu hơn nữa khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm nông sản. Khuyến khích liên kết sản xuất 5 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng) trong sản xuất nông nghiệp.
ĐỖ HOẠT/baolangson.vn