Phát triển bền vững ngành logistics

Thứ 7, 28.09.2024 | 09:03:16
340 lượt xem

Là cửa ngõ giao thương quốc tế, gắn kết chặt chẽ với vùng Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và Ðồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa và kết nối hoạt động logistics.

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Ảnh: TRẦN HẢI

Dựa trên lợi thế này, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho bãi, hệ thống giao thông, cảng biển, cảng hàng không… để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho thành phố mà cho cả nước. Hiện nay, thành phố đang dẫn đầu về chỉ số phát triển logistics, và hơn 70% số doanh nghiệp logistics của cả nước đang tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Với nền tảng kinh tế phát triển và hạ tầng giao thông tương đối hoàn thiện, địa phương này được đánh giá có tiềm năng phát triển thị trường logistics rất lớn, mỗi năm đạt mức tăng trưởng từ 14-16%. Hiện tại, ngành logistics đang đóng góp khoảng 9% cho GRDP của thành phố và đang trên đà phát triển. Dự báo, trong 10 năm tới, sự phát triển của ngành logistics sẽ giúp thành phố trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa, dịch vụ trọng yếu trong vùng và khu vực, có tiềm lực để đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển nền kinh tế thương mại trên quy mô lớn.

Mặc dù được xem có ngành logistics phát triển nhất cả nước, nhưng ngành logistics của thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.

Mới đây, tại Chương trình Ðối thoại chính sách năm 2024 do Thành phố Hồ Chí Minh và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ: Kết cấu hạ tầng logistics của thành phố chưa đáp ứng nhu cầu, thường kẹt xe ở sân bay và đường vào cảng biển, kể cả trên cao tốc cũng thường xảy ra ùn tắc giao thông. Cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi hạn chế dẫn đến chi phí logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung chiếm khoảng 25% GDP, chiếm 30-35% giá thành sản phẩm, cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới từ 10-12%.

Trong đề án "Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thành phố đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics đạt 15% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Ðồng thời, xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của thành phố... Cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, thành phố có kế hoạch nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị lên 15% (hiện tại hơn 12%), tăng mật độ đường giao thông lên 2,5 km/km2 (hiện tại là 2,2 km/km2) trong thời gian tới.

Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai thực hiện đường vành đai 3, đường vành đai 4 chuẩn bị đầu tư; có kế hoạch nghiên cứu mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, các tuyến cao tốc liên kết vùng. Ðối với đường sắt đô thị, tuyến Metro số 1 có thể hoàn thành năm nay và tuyến Metro số 2 dự kiến triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Thành phố Hồ Chí Minh cũng lên kế hoạch xây dựng tám trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha ở thành phố Thủ Ðức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn...

Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược để từng bước đưa ngành logistics tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xanh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Ðể làm được điều này, thành phố cần tháo gỡ các "nút thắt" về hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, cảng biển, thực hiện các giải pháp logistics xanh. Ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thành phố cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðây là yếu tố cốt lõi nếu muốn đưa ngành logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-logistics-post833602.html

  • Từ khóa