Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Thứ 5, 17.10.2024 | 15:15:47
414 lượt xem

Trong những năm qua, với tầm nhìn về một tương lai phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Toàn cảnh diễn đàn tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng tại diễn đàn tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.

Theo VCCI, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng thì việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề thực sự cấp bách.

Nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến tương lai phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam cũng không ngoại lệ do là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển.

Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Tại Việt Nam, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy, phát triển các nguồn năng lượng sạch để bảo đảm cho việc cung ứng điện, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bên cạnh những chính sách phù hợp, chúng ta cần có các nghiên cứu khoa học, sáng tạo về kỹ thuật, công nghệ và những kinh nghiệm của quốc tế trong chuyển dịch năng lượng.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng xanh cho nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể trong Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2023 (Quy hoạch Điện VIII). Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Vì vậy, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội so với một lộ trình carbon cao.

Bên cạnh đó, nhà nước có thể cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế khuyến khích khác nhau, chẳng hạn như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuê đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, phải thúc đẩy quan hệ đối tác để tạo ra các mô hình tài chính cung cấp các tùy chọn đầu tư dài hạn và giảm rủi ro tài chính cho dự án. Đối với thủ tục hành chính, cần đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng, đối với dự án mới,...

Diễn đàn tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu tổ chức lần này cũng đã góp phần giúp nhận diện xu hướng, thách thức và đưa ra các giải pháp cho Việt Nam thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thao-go-diem-nghen-thuc-day-phat-trien-nguon-nang-luong-tai-tao-tai-viet-nam-post837115.html

  • Từ khóa