Mở cửa thị trường nông sản Halal

Thứ 4, 30.10.2024 | 09:46:06
401 lượt xem

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường nông nghiệp, thực phẩm Halal dành cho người theo đạo Hồi phục vụ khoảng 2 tỷ người, chiếm khoảng 20% dân số thế giới. Việt Nam hiện có nhiều nông sản phù hợp nhu cầu của người Hồi giáo nhưng lại chưa hình thành hệ sinh thái Halal để khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này.

Hạt điều là sản phẩm có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Halal. Trong ảnh: Sơ chế hạt điều trước khi đưa vào kho bảo quản tại Công ty CP Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước). (Ảnh NHẤT SƠN)


Quy mô lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm Halal toàn cầu năm 2022 đạt hơn 2.310 tỷ USD và được dự báo đạt gần 4.116 tỷ USD vào năm 2030. Trên thế giới đã có các quốc gia tham gia vào thị trường này với vai trò nhà cung cấp lớn, có kinh nghiệm và chiếm thị phần lớn như: Australia, Singapore, Thái Lan, Brazil...

Ít doanh nghiệp được chứng nhận Halal

Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Việt Nam có nhiều nông sản phù hợp nhu cầu của người Hồi giáo và nhiều sản phẩm trong số đó đã được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà-phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm... nhờ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal (chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO...). Hiện Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Bến Tre có tiềm năng về các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm chế biến từ dừa, nông, thủy sản là những mặt hàng thị trường các nước Hồi giáo ưa chuộng. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được chứng nhận Halal trong toàn tỉnh là 16 doanh nghiệp với các lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ dừa, thủy sản, hàng nông sản và nông sản chế biến. Con số đó khá nhỏ so với quy mô doanh nghiệp toàn tỉnh do doanh nghiệp Bến Tre còn khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal. Ngoài ra, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal tốn nhiều chi phí khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Bến Tre cũng gửi mẫu một số sản phẩm của Công ty CP Ðầu tư dừa Bến Tre (Beinco), Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới… thông qua kênh ngoại giao để hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại cơ quan đại diện Việt Nam ở một số quốc gia Hồi giáo.

"Mặt khác, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu; có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất cũng ảnh hưởng đến việc phát triển số lượng doanh nghiệp được chứng nhận Halal" - ông Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal nhưng cũng chưa được khai thác hiệu quả. Hiện có Công ty CP Thực phẩm Cánh đồng Việt thuộc Tập đoàn GC FOOD đã có 11 sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Từ 2018 đến nay, công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Ðông hơn 170 tấn/năm sản phẩm nha đam các loại.

Ðể đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường Halal, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã giao các sở, ngành, địa phương rà soát bố trí quỹ đất quy hoạch dự án Nhà máy chế biến thịt cừu cho Công ty TNHH Nhật Thành Food, hướng tới xuất khẩu thịt cừu theo tiêu chuẩn Halal sang thị trường Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines…

Mở cửa thị trường nông sản Halal ảnh 1

Gạo là một trong những nông sản đã được xuất khẩu sang thị trường Halal. Trong ảnh: Sản xuất gạo tại Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp). (Ảnh Hữu Nghĩa).

Tập trung nguồn lực phát triển ngành Halal Việt Nam

Hiện Việt Nam có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal. Ðây vẫn là con số ít ỏi so với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu với 7.000 tỷ USD năm 2022, dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD năm 2028 và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6-8% năm.

Cụ thể như tại thị trường Trung Ðông với 90% dân số theo đạo Hồi có nhu cầu nhập khẩu 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD mỗi năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.

Theo ông Miran Ismael-Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal châu Âu (ECC Halal), thị trường Halal tại châu Âu hiện trị giá hơn 70 tỷ euro và được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Do đó, châu Âu trở thành thị trường tiềm năng cho các sản phẩm Halal của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Ðây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp các nguyên liệu Halal cao cấp, thực phẩm chế biến sẵn, hải sản và nhiều sản phẩm khác. Ðiều đáng chú ý là doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thương mại điện tử và các nền tảng số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều người Hồi giáo tại châu Âu, nhất là thế hệ trẻ rất ưa chuộng công nghệ và thường xuyên mua sắm sản phẩm Halal trên các nền tảng trực tuyến. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hiệu quả nhóm khách hàng tiềm năng này thông qua việc xây dựng thương hiệu rộng rãi trên những trang bán hàng trực tuyến và cung cấp trải nghiệm mua hàng trên không gian mạng thuận lợi cho khách hàng.

Trước nhu cầu tiêu dùng lớn các sản phẩm Halal, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới sẽ có các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển về đào tạo, sản xuất, phát triển chứng nhận Halal...

Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Ðến tháng 4/2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập, góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal, tạo điều kiện thuận lợi và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Việt Nam cũng đang hoàn thiện, xây dựng Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal bảo đảm cho việc quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển ngành kinh tế Halal thời gian tới. Ðặc biệt, có chiến lược phát triển hệ sinh thái Halal ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao; phát triển nhân lực Halal; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái Halal của Việt Nam tương thích với các yêu cầu khác nhau của thị trường Halal thế giới; đồng thời xác định thế mạnh của Việt Nam về sản phẩm, thị trường Halal... để có sự đầu tư, ưu tiên nguồn lực phát triển.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/mo-cua-thi-truong-nong-san-halal-post839373.html

  • Từ khóa