Tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và VietinBank trong quý III giảm tới 40% so với quý liền trước.
3 ngân hàng lớn giữ bao nhiêu tiền của Kho bạc Nhà nước?
BIDV, Vietcombank, VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024. Điều bất ngờ là số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng này trong quý III lại giảm.
Tại BIDV, đến cuối quý II, số tiền Kho bạc Nhà nước gửi tại đây là hơn 118.000 tỷ đồng song đến hết tháng 9 con số giảm xuống chưa tới 75.000 tỷ đồng. Dù vậy, ngân hàng này vẫn được Kho bạc gửi nhiều nhất và gấp gần 4 lần số dư hồi đầu năm.
Với VietinBank, quy mô tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đến hết quý III là khoảng 65.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cuối năm ngoái ở mức hơn 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước, số dư tiền gửi này cũng đã giảm tới 39%, tương ứng mức giảm hơn 42.000 tỷ đồng.
Vietcombank có số dư này thấp nhất trong 3 nhà băng, hơn 35.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức gửi hơn 62.000 tỷ đồng thời điểm cuối quý liền trước. Nhưng con số này cũng lớn hơn rất nhiều con số 770 tỷ đồng đầu năm.
Tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng có vốn Nhà nước là gần 290.000 tỷ đồng vào cuối quý II nhưng đến cuối quý III đã giảm hơn 40%, còn gần 115.000 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước giảm tiền gửi tại BIDV, Vietcombank, VietinBank (Ảnh: Mạnh Quân).
Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải đơn vị nào cũng được tiếp cận.
Để được "chọn mặt gửi tiền", các ngân hàng phải qua 2 vòng đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính và tham gia chào thầu. Đơn vị nào trả lãi cao sẽ được ưu tiên.
Việc nắm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước thực tế rất có lợi với các nhà băng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).
Theo đó, dù giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%, ngân hàng lại được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ LDR.
Như vậy, các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.
Tuy nhiên, khoản tiền gửi này của Kho bạc lại thường xuyên biến động mạnh chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động vốn trái phiếu Chính phủ của cơ quan quản lý.
Gần 115.000 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước rút khỏi Big 4 (4 ngân hàng TMCP Nhà nước lớn nhất) (Ảnh: Mạnh Quân).
Các ngân hàng kinh doanh ra sao?
Về kết quả kinh doanh, cả 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank đều nằm trong nhóm có kết quả cao của ngành.
Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn ngành với lợi nhuận trước thuế quý III đạt 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Vietcombank lãi trước thuế 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu 42.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng thực hiện được 75% kế hoạch đặt ra.
VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 6.553 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng thu về 19.513 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý gần nhất, BIDV đã thu về 6.498 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng quốc doanh này đã thu về gần 22.047 tỷ đồng lãi trước thuế sau 3 quý, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dantri.com.vn