Yên Vượng: Tất bật ở những làng nấu mật mía

Thứ 5, 23.01.2025 | 09:05:00
41 lượt xem

Những ngày này, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng đang tất bật nấu mật mía để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây là nghề thủ công truyền thống hiện vẫn được người dân duy trì, phát triển.

Người dân thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng nấu mật mía phục vụ tết

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chúng tôi đến xã Yên Vượng khi bà con đang tất bật, khẩn trương với công việc nấu mật mía để phục vụ thị trường tết. Là một trong những hộ dân còn gắn bó với nghề nấu mật mía, chị Nguyễn Thị Quy, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng cho biết: Trồng mía nấu mật là nghề truyền thống của gia đình. Dù công việc nấu mật mía khá vất vả nhưng đến nay gia đình tôi vẫn duy trì và phát triển nghề. Năm nay, gia đình trồng 1,8 mẫu mía và bắt đầu thu hoạch mía, ép nước, nấu mật từ trung tuần tháng 11 âm lịch. Thời điểm cận tết này, tại lò nấu mật mía của gia đình thường xuyên duy trì từ 6 đến 8 người thực hiện các công đoạn. Bình quân mỗi ngày, gia đình nấu được từ 10 đến 12 mẻ, mỗi mẻ thu được từ 20 đến 25 kg mật mía. Đến nay, gia đình đã thu được trên 2 tấn mật mía. Với giá bán dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg, gia đình tôi có thêm nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/năm.

Không riêng gia đình chị Quy, được biết, toàn xã Yên Vượng hiện còn 30 hộ giữ gìn và phát triển nghề nấu mật mía truyền thống; tập trung chủ yếu tại thôn Ao Sen và thôn Sơn Đông.

Ông Lý Xuân Luyện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ao Sen cho biết: Năm nào cũng vậy, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, người dân trồng mía trên địa bàn lại tất bật nấu mật mía phục vụ nhu cầu của các cơ sở sản xuất bánh kẹo, người dân trên địa bàn huyện. Toàn thôn hiện còn 15 hộ duy trì, phát triển nghề nấu mật mía. Từ sản xuất mật mía bằng phương pháp thủ công, người dân trên địa bàn thôn có thêm thu nhập từ 30 đến gần 70 triệu đồng/năm. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, vừa nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn thôn.

Được biết, bình quân mỗi năm, người dân trên địa bàn xã duy trì trồng trên 7 ha mía. Mía thường được người dân trồng từ khoảng tháng 2 âm lịch. Khi cây mía đạt đến độ ngọt nhất (tháng 11 âm lịch), người dân bắt đầu chặt mía, ép nước, đun nhiều giờ trên lò củi sẽ cho thành phẩm là mật mía có màu vàng nâu, ngọt thơm.

Đặc biệt, thay vì cô đặc mật mía, đổ khuôn thành từng miếng đường phên như các làng làm mía đường khác trên địa bàn tỉnh thì người dân tại đây lại để dạng mật mía, bảo quản trong các chum sành, thùng đựng.

Để giảm bớt sức người, nâng cao công suất sản xuất, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã đầu tư máy ép và xây dựng 6 lò nấu mật mía. Sản phẩm mật mía của người dân được khách hàng ưa chuộng bởi độ thơm, ngon nên làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là người dân, cơ sở sản xuất bánh kẹo phục vụ thị trường tết trên địa bàn huyện.

Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Vượng cho biết: Với hiệu quả kinh tế đem lại, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây mía để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến phát triển cây mía thành 1 trong 3 cây trồng chủ lực của xã. Đồng thời, chính quyền xã tiếp tục quan tâm liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; định hướng, lựa chọn xây dựng sản phẩm mật mía thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

Chúng tôi rời xã Yên Vượng khi những lò nấu mật mía của người dân vẫn đang rực lửa, khói lò nghi ngút. Dọc tuyến đường thôn, nhiều xe tải, xe máy của tiểu thương đến từng nhà dân để lựa chọn mua những mẻ mật mía thơm ngon, chất lượng nhất. Dù nghề nấu mật mía vất vả nhưng tin rằng với giá thành và thị trường tiêu thụ ổn định, năm nay người dân làm nghề nơi đây sẽ có một cái tết đủ đầy.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/yen-vuong-lang-nghe-mia-duong-nhon-nhip-vao-vu-tet-5035812.html

  • Từ khóa