Chặn đà suy giảm xuất khẩu rau quả

Chủ nhật, 30.03.2025 | 11:17:10
252 lượt xem

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 3/2025 xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 420,586 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu rau quả suy giảm, khiến kim ngạch quý I năm 2025 chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Sơ chế rau quả xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh ANH TUẤN)

Các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm .

Tính riêng hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gần 306 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ, chiếm 44,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, đỉnh điểm là tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 18 triệu USD, giảm 74,1% so với tháng 12/2024 và giảm 83,2% so với tháng 1/2024.

Nếu tháng 1/2024, sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 92% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước, thì tháng 1/2025 con số này chỉ còn 57,56%. Nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2024, đầu năm 2025, Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ với sầu riêng xuất khẩu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, Trung Quốc còn kiểm tra nghiêm ngặt chất cadimi và chất cấm auramine O (hay còn gọi là chất vàng ô) trên sầu riêng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, với chất cadimi, các doanh nghiệp Việt Nam đã có giấy chứng nhận kiểm định nhưng với chất vàng ô nhiều doanh nghiệp chưa kịp làm, dẫn đến sự chậm trễ trong thông quan hoặc không thể thông quan.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm 2024. Trước thực trạng suy giảm kim ngạch liên tiếp 3 tháng đầu năm, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Một mặt Việt Nam cần đáp ứng đúng, đủ các quy định mới của Trung Quốc; mặt khác cũng cần triển khai hiệu quả hơn các giải pháp mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác. Thực tế, hai tháng đầu năm 2025, trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh thì hầu hết các thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng 66% so với cùng kỳ năm 2024; Nhật Bản tăng 8%; Hàn Quốc tăng 23%; Thái Lan tăng 9%; Australia tăng 11%; Malaysia tăng 35%...

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết: Vina T&T Group hiện đang xuất khẩu xoài, bưởi, dừa và một số trái cây khác sang Mỹ. Thời gian qua, công ty không ngừng nghiên cứu và phát triển các công nghệ hiện đại trong bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản để trái cây có thể đến với những thị trường xa xôi như Mỹ mà vẫn bảo đảm chất lượng tươi ngon. Tuy nhiên, hiện nay kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Mỹ của cả nước vẫn còn thấp do các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng.

Ngoài ra, vấn đề gián đoạn logistics và chi phí vận chuyển sang thị trường này liên tục tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa tập trung khai thác. Mặc dù vậy đây sẽ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam nếu các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc chất lượng cao, giá cao, đặc biệt là các mặt hàng chế biến sâu. Cụ thể, thị trường trái cây khô của Mỹ được dự báo tăng trưởng hằng năm là 5,08% trong giai đoạn 2025-2033 nhờ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với chế độ ăn dựa trên thực vật.

Mặt khác, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản lượng trái cây của Mỹ liên tục giảm trong những năm gần đây, xuống dưới 21 triệu tấn vào năm 2024 cho nên Mỹ nhập khẩu trái cây tươi tăng hằng năm. Trong đó, chuối là mặt hàng nhập khẩu hàng đầu, với khối lượng khoảng 4,7 triệu tấn; tiếp theo là dứa với khối lượng 1,32 triệu tấn (năm 2024). Đây cũng là hai mặt hàng Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thời gian qua nên có nhiều kỳ vọng tăng trưởng.

Trong khi đó, thị trường Liên minh châu Âu (EU) ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trái cây từ Việt Nam, gồm: xoài, dứa, thanh long, chanh leo, chôm chôm, vải, nhãn... Với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), rau quả Việt Nam có nhiều lợi thế thâm nhập thị trường EU. Việt Nam hiện là nguồn cung ngoại khối rau, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ 24 cho EU. Đây là khu vực thị trường còn nhiều dư địa khai thác.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chan-da-suy-giam-xuat-khau-rau-qua-post868717.html

  • Từ khóa