Thực hiện Chỉ thị cách ly: Hãy là người tiêu dùng thông thái

Thứ 4, 01.04.2020 | 08:58:27
517 lượt xem

Với cam kết cung cấp đầy đủ hàng hóa và không tăng giá của các hệ thống phân phối, người tiêu dùng không cần phải mua hàng tích trữ trong mùa dịch.

Thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thời gian qua chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19. Nhu cầu hàng hóa hiện nay ngoài việc tập trung cao vào các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn,… còn tập trung vào một số mặt hàng thực phẩm dự trữ như đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, nhiều người tiêu dùng đã đi mua hàng hóa tiêu dùng với số lượng lớn, khiến các cửa hàng, siêu thị quá tải, hàng hóa bị thiếu cục bộ vào một số thời điểm.

di cho thoi dich covid-19 nguoi dan can mua nhung gi? hinh 1
Các siêu thị tại Hà Nội cam kết luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa dồi dào cho người tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, do có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... theo 5 cấp độ nên hàng hóa luôn được cung ứng kịp thời, không để tình trạng thiếu hàng hóa diễn ra.

Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vincommecre – sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ thuộc tập đoàn Vingroup, cho biết: hệ thống luôn đủ nguồn cung hàng hóa, cùng cam kết bình ổn và không tăng giá các mặt hàng trên toàn hệ thống.

“Khách hàng không cần phải lo lắng mua đồ dự trữ với khối lượng lớn, chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình. Khi đến các siêu thị của hệ thống, khách hàng còn có thể trả tiền hóa đơn mua hàng tại quầy thu ngân bằng tiền trên ứng dụng ví điện tử VinID để tránh bị lây nhiễm viruts khi dùng tiền mặt”, bà Tâm khuyến cáo.

Đứng ở góc độ chuyên gia song cũng là một người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khuyến cáo, người dân nên trang bị kiến thức cho mình để trở thành người tiêu dùng thông thái. 

"Trước những diễn biến của dịch bệnh, người dân nhất định không tin và làm theo những tin đồn, thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Chỉ thực hiện mua sắm những mặt hàng cần thiết theo đúng nhu cầu, không nên mua nhiều hàng hóa tích trữ bởi các hệ thống phân phối luôn sẵn sàng đáp ứng với cam kết đủ hàng, không tăng giá", ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, để tránh việc người dân có tâm lý đổ xô đi mua sắm hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các ngành dịch vụ, cung ứng hàng hóa cần liên tục thiết lập các nguồn cung dồi dào theo hệ thống, tăng khả năng đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của xã hội hơn lúc nào hết. Đặc biệt, nguồn cung cần phải được phục vụ theo đúng nhu cầu của đời sống xã hội, từ đó tạo ra được hệ thống phân phối chặt chẽ và hiệu quả.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát chống việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, nâng giá hàng hóa nhằm trục lợi bất chính. Có như vậy người dân mới hoàn toàn yên tâm, không còn tâm lý cố hữu mua hàng tích trữ.

Thông tin mới nhất từ Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dữ trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra. Đồng thời, với vai trò đầu tầu kinh tế Vùng trọng điểm Bắc bộ, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh có dịch bùng phát.

"Trường hợp thiếu hàng cục bộ các doanh nghiệp khẩn trương điều tiết trong hệ thống để chuyển hành nhanh nhất đến các điểm thiếu hàng. Trường hợp  nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50%-100%) so với ngày bình thường, các doanh nghiệp tổ chức điều động các đơn vị khác hỗ trợ đưa hàng đến khu vực thiếu hoặc tổ chức cung ứng hàng lưu động để đáp ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu người dân", Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.

di cho thoi dich covid-19 nguoi dan can mua nhung gi? hinh 2
Người tiêu dùng chọn mua những mặt hàng cần thiết, không mua quá nhiều tránh lãng phí.

Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, sẽ cùng các doanh nghiệp điều tiết hàng hóa mạnh,nhiều lần mỗi ngày trong các hệ thống phân phối trong thành phố, chỉ đạo doanh nghiệp phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện và điều tiết từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.

Đặc biệt, để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp chủ động điều tiết phương tiện vận chuyển của đơn vị, hoặc phương tiện thuê để tổ chức vận chuyển, cung ứng hàng hóa đến các điểm bán hàng hoặc khu vực tiếp nhận hàng hóa cho người thuộc diện cách ly. Các quận, huyện, thị xã chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để hỗ trợ công tác tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa cung ứng cho người dân trên địa bàn.

"Trường hợp doanh nghiệp và các quận, huyện, thị xã không đủ xe cung ứng hoặc khi dịch diễn biến ở cấp độ 4,5, Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Bộ tư lệnh thủ đô, Công An Thành phố, Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ phương tiện để vận chuyển hàng hóa nhanh nhất phục vụ nhân dân" Sở Công Thương TP Hà Nội nêu rõ./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN 

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/thuc-hien-chi-thi-cach-ly-hay-la-nguoi-tieu-dung-thong-thai-1022749.vov

  • Từ khóa