Các NHTM tại Đà Nẵng bắt đầu triển khai cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ để tạo dòng tiền và thanh khoản cho khách hàng vay vốn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ. Đây được xem là biện pháp quan trọng nhất để tạo dòng tiền và thanh khoản cho khách hàng vay vốn.
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tác động trực tiếp của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giảm lao động, đóng cửa ngày càng nhiều. Các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngưng trệ...
Đến nay, Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Nam Đà Nẵng mới chỉ giải quyết hồ sơ cho 5 khách hàng. |
Một chủ cơ sở mầm non, nuôi dạy trẻ tư thục ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, mấy tháng qua không đón nhận trẻ nên không có thu nhập. Chị cố gắng cầm cự trả lãi vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng. Sắp hết thời hạn vay vốn nhưng chị không biết tìm đâu ra khoản tiền lớn như vậy để trả nợ, cũng may Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hỗ trợ làm thủ tục cơ cấu lại nợ.
“Tiền dự trữ của cơ sở không nhiều, đủ để đóng bảo hiểm cho các cô đi khám bệnh, hỗ trợ cho các cô 1,5 - 2 triệu đồng/tháng để các cô trang trải trong mùa dịch. Khi cơ sở không đón nhận trẻ sẽ không có nguồn thu, vừa lo cho các cô lại phải lo nợ ngân hàng sẽ rất khó khăn. Hiện mình đã trao đổi với người làm hồ sơ, thực hiện theo chính sách của ngân hàng tìm phương phướng hỗ trợ cho cơ sở”, chị này cho biết.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như thực hiện cho vay mới để kịp thời hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất là giải pháp mà nhiều ngân hàng thương mại áp dụng vào thời điểm này. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào gặp khó khăn cũng được hỗ trợ. Nhất là đối với các doanh nghiệp bị tác động gián tiếp dịch bệnh, không chứng minh được khoản thiệt hại cũng như phương án trả nợ.
Ông Nguyễn Cao Phong, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, Chi nhánh Nam Đà Nẵng cho biết, đến nay đơn vị mới giải quyết cho 5 khách hàng giãn và cơ cấu lại nợ. Nguyên nhân do Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 13/3 thì ngày 28/3 đơn vị mới thực hiện đợt miễn giảm đầu tiên.
“Cần phải có sự phối hợp giữa ngân hàng với khách hàng. Nếu khách hàng không có động thái phối hợp, ngân hàng sẽ không thể tự động giải quyết. Khi ngân hàng sẵn sàng mở để giãn nợ, giãn lãi, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp và cá nhân, các đối tượng thuộc diện này nếu thấy cần thiết cần hoàn chỉnh hồ sơ dưới sự hỗ trợ của ngân hàng”, ông Phong cho biết.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng cho thấy, tổng thiệt hại do dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng 12.200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay cho 518 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 184 khách hàng với số tiền 12 tỷ đồng; cho vay mới đối với 1.025 khách hàng, tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Du lịch là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất của dịch Covid- 19 |
Các ngành nghề bị thiệt hại nặng được quan tâm hỗ trợ vốn để khắc phục khó khăn như ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, số tiền cho vay hơn 980 tỷ đồng; Công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 260 tỷ đồng; Vận tải kho bãi, số tiền gần 190 tỷ đồng; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, số tiền cho vay hơn 120 tỷ đồng.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Thông tư 01 là khung chung, các ngân hàng thương mại căn cứ theo khung đó để đề ra quy định cụ thể đối với từng hợp đồng tín dụng có đặc thù riêng, ngành nghề cũng riêng. Các ngân hàng thương mại là người cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp và người dân nên họ hiểu sát hơn, rõ hơn, trên cơ sở đó biết được mức độ thiệt hại như thế nào.
“Về phía Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ sẽ đi kiểm tra sau, để xem trong quá trình triển khai có đúng hay sai. Nếu có gì sai sẽ uốn nắn, chỉnh sửa ngay lập tức và kịp thời”, ông Minh cho biết./.
Hoài Nam/ VOV.VN