Hết dịch tả lợn châu Phi: Thúc đẩy tái đàn, đảm bảo nguồn cung

Thứ 4, 08.04.2020 | 00:00:00
518 lượt xem

Theo các chuyên gia, việc giảm giá thịt lợn chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần tăng nguồn cung thịt lợn để cân đối cung cầu trên thị trường.

Chiếm khoảng 40% nguồn cung thịt lợn trên thị trường, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn điều chỉnh giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg đã kéo theo giá thịt lợn trên thị trường giảm nhưng không đồng đều giữa các điểm bán.

Theo các chuyên gia, việc giảm giá chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần tăng nguồn cung thịt lợn để cân đối cung cầu trên thị trường.

Ngày 1/4 vừa qua, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã chính thức giảm giá lợn xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn trên thị trường trung bình đã giảm nhưng không đồng đều giữa các điểm bán. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân vẫn phải mua thịt với giá cao ngất ngưởng như trước thời điểm ngày 1/4.

het dich ta lon chau phi: thuc day tai dan, dam bao nguon cung hinh 1
Giá thịt lợn hơi đã giảm xuống 70.000 đồng/kg, nhưng giá thịt tại chợ và siêu thị vẫn ở mức cao.


Chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Giá hiện nay chênh lệch khoảng 5.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây giá lại tăng thêm 5.000 đồng/kg. Hiện giá bán từ 115.000 - 120.000 đồng/kg, mua ở lò là 105.000 đồng/kg. Tôi pha thịt ra bán 120.000/kg, nhưng tiêu thụ rất ít".

Chăn nuôi nhỏ lẻ khó áp dụng an toàn sinh học, nguồn cung sau dịch tả lợn châu Phi chưa kịp phục hồi, tác động từ bệnh dịch Covid-19, cộng với khâu trung gian phức tạp dẫn đến giá thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn còn ở mức cao.

Đến nay, 10 huyện của tỉnh Bắc Giang đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Việc công bố hết dịch là cơ sở thuận lợi giúp các địa phương và người chăn nuôi tái đàn lợn, phát triển sản xuất.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình dịch trên đàn lợn đã cơ bản được khống chế không tái phát các ổ dịch mới, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Giang tiếp tục lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của virus.

"Bắc Giang đã sớm chủ động cho việc hướng dẫn các trang trại, các hộ chăn nuôi tái đàn có kiểm soát. Chính vì vậy mà đàn lợn đã tăng trở lại. Thời điểm dịch bệnh xảy ra có thời điểm đàn lợn của Bắc Giang giảm xuống dưới 700.000 con. Tuy nhiên, hiện nay tổng đàn đã phục hồi khoảng 900.000 con, và trong thời gian tới tiếp tục hướng dẫn nông dân tái đàn chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh và phấn đấu tổng đàn đạt khoảng 1 triệu con vào cuối năm 2020" - ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 5/4/2020 cả nước đã có 99% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn Châu Phi, 44 tỉnh, thành phố đủ điều kiện công bố hết dịch. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định về cơ bản đã kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết: "Ngành thú y đã chỉ đạo thành lập các Tổ công tác kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát việc tổ chức tái đàn lợn đảm bảo rằng là tái đàn có hiệu quả, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh để tránh trường hợp là dịch bệnh lại tái phát.

Đồng thời các tổ công tác, các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, cụ thể các biện pháp chăn nuôi, an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh cũng như là tiêm phòng các bệnh khác ngoài dịch tả lợn Châu Phi, giám sát chặt chẽ, chủ động phát hiện các trường hợp nghi nếu có bệnh thì phải xử lý ngay để tránh lây lan diện rộng".

het dich ta lon chau phi: thuc day tai dan, dam bao nguon cung hinh 2
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình tăng đàn và tái đàn hiện nay đang thuận lợi.


Cùng với kêu gọi các doanh nghiệp chung tay điều chỉnh giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kết nối doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để bình ổn cung cầu trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học.

Trong đó, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, qua đó hình thành nhiều hơn các chuỗi và các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, đảm bảo cân đối cung cầu về thịt lợn giải pháp quan trọng nhất là phải tăng đàn và tái đàn.

Theo Thứ trưởng: "Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm  Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng với các doanh nghiệp xây dựng quy trình an toàn sinh học tốt nhất và ở mức an ninh sinh học cao nhất. Đây chính là điều kiện để tái đàn tốt trong thời gian tới. Hiện nay, an ninh sinh học đã và đang được phổ biến, tuyên truyền cũng như các mô hình được nhân rộng trong sản xuất, sắp tới tốc độ tái đàn sẽ nhanh hơn những tháng qua".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình tăng đàn và tái đàn hiện nay đang thuận lợi. Tính đến hết quý I tổng đàn lợn cả nước so với cuối năm 2019 đã tăng được 6,3 %. Cụ thể là đến cuối tháng 3/2020 số đầu lợn là 24 triệu con. Với tốc độ như hiện nay đến cuối quý III và đầu quý IV, số đầu lợn sẽ tương đương so với mức cao nhất cuối năm 2018, lúc đó sẽ cân đối được cung cầu về thịt lợn trên thị trường./.

Minh Long/VOV1

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/het-dich-ta-lon-chau-phi-thuc-day-tai-dan-dam-bao-nguon-cung-1034261.vov

  • Từ khóa