Song song với chống dịch, doanh nghiệp mong Chính phủ nhanh chóng xây dựng chiến lược bài bản và có chính sách đón đầu trật tự kinh tế mới sau dịch.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề xuất với Thủ tướng một số giải pháp chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đi cùng với văn bản này, Ban IV đã gửi tới Chính phủ kết quả khảo sát cập nhật tình hình doanh nghiệp. Cuộc khảo sát này nhằm tiếp tục tham mưu hiệu quả với Thủ tướng và Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp song song với mục tiêu chống dịch Covid-19, đặc biệt để tìm giải pháp tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.
Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và kinh doanh nhưng các doanh nghiệp không“ngồi im” |
Qua khảo sát thực hiện với 358 doanh nghiệp (trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho thấy, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và kinh doanh nhưng các doanh nghiệp không “ngồi im”, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và áp dụng nhiều biện pháp để duy trì hoạt động giữ cho sản xuất kinh doanh không đứt gãy.
81% số doanh nghiệp cho biết có làm việc tại văn phòng tuân thủ đúng các quy định chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để làm việc online, để cung cấp dịch vụ trực tuyến và để đẩy mạnh hoạt động marketing và bán hàng…
Một số doanh nghiệp cũng thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất… tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới…
Chỉ có 8% trong số 358 doanh nghiệp cho biết đã ngừng kinh doanh để phòng tránh bệnh tật lây lan, một số trong đó ngừng “vì khó khăn”.
Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh còn chậm
Tuy nhiên, cuộc khảo sát này cũng bật ra nhiều điểm yếu của doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tương đối hạn chế về mặt “chiến lược”, mọi ứng phó vẫn mang tính vụ việc, thời điểm nên thời gian tới rất cần các hỗ trợ kỹ thuật để giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Thực trạng trên thể hiện ở con số chỉ có 3% số doanh nghiệp áp dụng những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển… Năng lực xây dựng phương án kinh doanh phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp cũng thấp, chỉ có 2% doanh nghiệp thực hiện giải pháp này.
Qua khảo sát này, các doanh nghiệp cũng nêu lên những kiến nghị, đưa ra những đề xuất với Chính phủ về việc thực hiện 3 mục tiêu: Chống dịch - chống suy thoái doanh nghiệp - chống thất nghiệp. Trong đó, về việc chống thất nghiệp, các doanh nghiệp ủng hộ tinh thần của Chính phủ và các bộ, ngành thể hiện tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhưng thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ thì doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có những chính sách giúp cho họ giữ được dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh đồng thời để duy trì việc làm cho người lao động.
Để chống suy thoái, có 5 nhóm kiến nghị được đề xuất. Trong đó, đề nghị doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch được vay vốn ưu đãi, được giảm lãi suất... Các doanh nghiệp nông nghiệp được tạo điều kiện để xuất khẩu hàng hóa khi cung vượt cầu trong nước.
Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ có chính sách riêng đối với các đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, miễn lãi suất nộp thuế chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh.
Điều đáng lưu ý là trong khảo sát này các doanh nghiệp cho biết, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ phía các bộ còn chậm.
Căn cứ kết quả kháo sát và những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, chi tiết của cộng đồng doanh nghiệp, Ban IV đặc biệt kiến nghị xây dựng các chính sách giúp cho doanh nghiệp giữ được vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.
Ban IV cũng đề nghị Thủ tướng cùng Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp tập trung thúc đẩy các giải pháp có giá trị bền vững cho tăng trưởng bên cạnh những nỗ lực vượt khó, như các giải pháp số hóa, tăng cường R&D, xây dựng/vận hành các kịch bản và chiến lược kinh doanh mới... nhằm giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các cơ hội đã và đang bộc lộ từ bối cảnh dịch bệnh lần này.
“Song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, rất mong Thủ tướng cùng Chính phủ quan tâm, nhanh chóng xây dựng một chiến lược bài bản cùng các chính sách đón đầu một trật tự kinh tế mới sau dịch, để nền kinh tế Việt Nam có sức bật và cạnh tranh mạnh mẽ, xác lập được vị thế mới trong khu vực và trên thế giới”, văn bản của Ban IV viết./.
Cẩm Tú/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-hien-ke-chong-suy-thoai-chong-that-nghiep-1040533.vov