Dịch Covid-19 không khác gì cơn bão càn quét ngành thủy sản, ngư dân, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề nếu tình hình còn kéo dài.
Thủy sản là một ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên cũng chính vì thế khi dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh, các thị trường lớn đồng loạt “bế quan tỏa cảng”, thì ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng “lao đao” vì hoạt động xuất khẩu “ngưng trệ”.
Ngư dân nuôi trồng và khai thác thủy sản đang“lao đao” vì hoạt động xuất khẩu “ngưng trệ”. |
Nếu như một số ngành hàng nông sản khác có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa, phục vụ người tiêu dùng trong nước, thì biện pháp này lại khó áp dụng đối với một số mặt hàng thủy sản giá trị cao bởi đây không phải là thực phẩm được người dân sử dụng thường xuyên.
Dịch Covid-19 đối với những hộ nuôi tôm hùm trên vùng biển Hòn Lao Mái Nhà, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên giống như một “cơn bão”. “Bão” dịch khiến cả một vùng vắng lặng, không bóng dáng thương lái đến thu mua, chỉ có những con tôm hùm đã đủ trọng lượng xuất bán vẫn phải nằm chờ trong lồng.
Tại đây, tôm chủ yếu được bán sang Trung Quốc, một phần tiêu thụ cho các nhà hàng, khách sạn. Bởi vậy, khi dịch bệnh diễn ra, các quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa, nhà hàng trong nước thì đóng cửa, khiến đầu ra gặp bế tắc, thậm chí “đóng băng” bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Kim Đồng, nuôi 600 con tôm hùm trên đảo Hòn Lao Mái Nhà đến giờ vẫn chưa xuất bán được con nào nhưng hàng ngày vẫn phải chi khoảng 300.000-400.000 đồng tiền thức ăn nuôi tôm. Ngư dân này chia sẻ, giải pháp duy nhất lúc này là nuôi “cầm cự”, đợi đầu ra được “khơi thông” rồi mới tính được phương án tiếp theo.
“Nếu vụ năm 2019 bán 1,3-1,4 triệu đồng, giờ bán chỉ còn có 1 triệu đồng/kg. Mà bán rẻ vậy cũng không ai đến mua. 32 bà con đang nuôi ở Hòn Lao Mái Nhà chưa bán được tí nào, đa số tôm hùm bông còn tồn đọng 100%. Giải pháp của mình là nuôi cầm cự, không dám nhập tôm gối đầu về nuôi cho vụ sau. Thức ăn cũng chỉ dám cho ăn một nửa so với hàng ngày”, ông Đồng cho biết.
Nhiều tàu phải nằm bờ bất chấp giá dầu đang giảm sâu và thời tiết tốt. |
Không chỉ tôm hùm, một số loại thủy sản giá trị cao như ốc hương, cá lăng, cua, ghẹ, mực nháy… đồng loạt giảm từ 20-30% giá trị so với giữa tháng 2/2020 mà vẫn tắc về đầu ra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Vaseap, do dịch covid lan rộng khắp thế giới, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo hoãn hoặc dừng đơn hàng. Xuất khẩu thủy sản ngừng trệ khiến cho việc giải quyết đầu ra gặp bế tắc.
Còn đối với thị trường trong nước, trừ một số loại thủy sản người dân quen dùng trong bữa ăn hàng ngày, phần lớn các mặt hàng khác đều khó tiêu thụ do người dân thắt chặt hầu bao.
Ông Võ Tuấn Tú, hộ nuôi cá chình và cá bống tượng ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, gia đình ông nuôi cá đặc sản, nên đã phải “treo ao” khi các nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa. Lo lắng với khoản vay ngân hàng đã đến kỳ thanh toá, ông dự tính sau khi bán lứa cá sẽ trả hết nợ, đồng thời có vốn để tái đầu tư, nhưng cũng như nhiều trang trại nuôi thủy sản ở địa phương, hiện nay lượng cá còn tồn đọng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Gia đình tôi nuôi diện tích 20 ha, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Nhưng mùa dịch này không bán được, đó là khó khăn chung. Hiện giờ mình đành để ở ao nuôi. Mong sao dịch qua nhanh, để mình bán được, có tiền trả lãi ngân hàng”, ông Tú nói.
Tình hình cũng không mấy khả quan với những ngư dân làm nghề khai thác thủy sản. Tại Hải Phòng, lượng tàu ra khơi giảm 40% so với mọi năm, còn tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ có khoảng 30% tàu cá hoạt động, chủ yếu là tàu khai thác xa bờ…
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, ngoài việc đầu ra khó tiêu thụ, các tàu khai thác trong mùa dịch còn gặp tình trạng thiếu lao động do các bạn thuyền ngoại tỉnh thực hiện cách ly xã hội. Đó cũng là lý do khiến tàu gia đình ông Nguyễn Thanh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phải nằm bờ mặc dù giá dầu giảm sâu, thời tiết rất thuận lợi để ra khơi đánh bắt.
“Nằm bờ vì mình đi về đánh ghẹ, bán không ai mua. Hàng chủ yếu đi Trung Quốc mà quán xá không tiêu thụ được, khách du lịch không có, đi về mà không tiêu thụ được thì đi làm gì. Nên tàu nằm bờ từ Tết đến giờ”, ông Thanh buồn bã nói.
Nói như nhiều ngư dân, dịch Covid-19 không khác gì cơn bão càn quét, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề nếu tình hình còn kéo dài./.
Hương Giang/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tac-dau-ra-nganh-thuy-san-do-bao-dich-ngu-dan-lao-dao-1040726.vov